Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) mới nhằm thay thế ông James Comey. Người đứng đầu Nhà Trắng đã bất ngờ cách chức Comey vì cho rằng ông này “không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị sa thải. Ảnh: ABC News |
Tờ Christian Science Monitor cho biết, các ứng viên cho vị trí Giám đốc FBI mới bao gồm: cựu Giám đốc Cơ quan An ninh vận tải John Pistole; cựu lãnh đạo Cục An ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Ken Wainstein; cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers, cũng từng là nhân viên FBI.
Tổng thống Trump muốn người đứng đầu FBI phải có tư cách đạo đức cao nhất cũng như có uy tín pháp lý; kiên định lập trường đảng phái, được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tôn trọng; đồng thời phải theo đuổi công lý quyết liệt. Một yếu tố quan trọng là ứng viên vị trí Giám đốc FBI không có mối quan hệ cá nhân nào với Tổng thống Trump trước, trong và sau chiến dịch tranh cử.
Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe được dự đoán sẽ thay thế ông Comey. Tuy nhiên, theo báo Independent, Tổng thống Trump có lẽ không bổ nhiệm ông McCabe và cũng chưa rõ tương lai của vị quan chức này ra sao trong FBI. Ngày 11-5 (giờ Washington), ông McCabe và các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Theo đó, ông McCabe phải trả lời những câu hỏi về vị trí của FBI và cuộc điều tra về mối quan hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump hồi năm ngoái. McCabe vốn là Phó Giám đốc FBI dưới quyền của ông Comey.
Việc lựa chọn Giám đốc mới cho FBI sẽ khó khăn trong lúc ông chủ Nhà Trắng bị chỉ trích xung quanh quyết định sa thải Comey. Theo Christian Science Monitor, từ khi tiếp quản Nhà Trắng đến nay, ông Trump đã có nhiều động thái gây sốc, nhưng hành động gây tranh cãi hơn cả là việc bất ngờ sa thải ông Comey. Dĩ nhiên Tổng thống Trump có quyền sa thải Giám đốc FBI. Ông Trump cũng là tổng thống đầu tiên kể từ thời Richard Nixon sa thải một quan chức hành pháp xung quanh một cuộc điều tra liên quan Nhà Trắng. Tuy nhiên, phe Dân chủ và những người khác nghi ngờ Tổng thống cố tình ngăn cản FBI điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Đảng Dân chủ chỉ trích rằng, Tổng thống đương nhiệm đã dùng việc xử trí của ông Comey trong vụ điều tra thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton làm bình phong cho quyết định sa thải của mình. Ông Comey vốn đang phụ trách công tác điều tra về cáo buộc cho rằng nhóm vận động tranh cử của ông Trump hồi năm 2016 đã “bắt tay” với Nga để tác động đến kết quả bầu cử. Theo đó, nhiều câu hỏi được đặt ra như: cuộc điều tra về nghi vấn Mátxcơva can thiệp bầu cử Mỹ có thể bị chậm lại hoặc bị ngăn cản hay không?
Một nguồn tin được Christian Science Monitor dẫn lời cho rằng, nếu Tổng thống Trump nghĩ việc sa thải ông Comey sẽ hủy bỏ được cuộc điều tra thì vị chủ nhân Nhà Trắng đã sai. Cựu luật sư tại Bộ Tư pháp Justin Levitt nói rằng, thực chất, cuộc điều tra của FBI về Nga có thể vẫn diễn ra bình thường dù bất kỳ ai làm Giám đốc FBI chăng nữa.
Nhà Trắng cam kết vẫn tiến hành điều tra. “Không ai muốn hoàn tất điều này hơn chúng tôi”, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Năm 2013, ông Comey được Tổng thống lúc đó là Barack Obama bổ nhiệm đứng đầu FBI với nhiệm kỳ 10 năm. Ông bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sa thải vì cách xử lý trong vụ bê bối thư điện tử của bà Hillary Clinton. Tổng thống Trump cũng cho rằng, ông Comey “không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình”. Theo báo New York Times, chỉ vài ngày trước khi bị cách chức, ông Comey yêu cầu bổ sung ngân quỹ và nhân sự để FBI điều tra các cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Song, Bộ Tư pháp bác bỏ những thông tin này.
Ông Comey cũng sẽ ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 16-5 tới.
PHÚC NGUYÊN