Cựu Thủ tướng Yingluck đào thoát Chiến thắng của chính phủ Thái Lan

.

Hãng Fox News cho rằng, việc cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đào thoát là chiến thắng của chính phủ quân sự bởi gia tộc Shinawatra sẽ không còn sức ảnh hưởng đến nền chính trị của quốc gia này.

Bà Yingluck Shinawatra được cho đã rời Thái Lan từ ngày 23-8 và đang tìm cách xin tị nạn ở Anh.				          Ảnh: AP
Bà Yingluck Shinawatra được cho đã rời Thái Lan từ ngày 23-8 và đang tìm cách xin tị nạn ở Anh. Ảnh: AP

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014 - luôn là cái gai đối với chính phủ quân sự, dù Tòa án Tối cao có ra phán quyết như thế nào dành cho bà về cáo buộc tắc trách trong chương trình trợ giá gạo. Mức án 10 năm tù giam có thể sẽ khơi mào cho các cuộc biểu tình quy mô lớn. Nhưng nếu tòa tuyên trắng án sẽ là thách thức lớn cho chính phủ đương nhiệm.

Trong một động thái bất ngờ, bà Yingluck đã bất ngờ chọn phương án thứ ba: đào thoát. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan - Đại tướng Prawit Wongsuwon, bà đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực. Hiện chưa rõ cựu Thủ tướng Yingluck ở đâu nhưng báo chí địa phương dẫn lời các quan chức chính phủ cho hay, bà đã đến Campuchia và sau đó đến Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), nơi anh trai - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong. Cũng có nguồn tin cho hay, Dubai không phải là điểm đến cuối cùng của bà Yingluck, bởi bà đang tìm cách xin tị nạn ở Anh.

Hãng Fox News cho rằng, việc cựu Thủ tướng Yingluck đào thoát là chiến thắng rõ ràng của chính phủ quân sự, bởi khi lưu vong, bà Yingluck không còn gây nhiều đe dọa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các vấn đề chính trị của Thái Lan sẽ kết thúc. Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thitinan Pongsudhirak, cũng nhận định: Thái Lan vẫn chia rẽ.

Đối với cựu Thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, ông bắt đầu sống lưu vong từ năm 2008 để tránh án tham nhũng. Song, sức ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn trên chính trường Thái Lan nên bà Yingluck mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này. Năm 2013, việc bà Yingluck đề xuất lệnh ân xá và cho phép ông Thaksin trở về nước đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên đường phố, dẫn đến một cuộc đảo chính khác vào năm 2014. Từ đó, ông Thaksin hầu như im tiếng, dường như để bảo vệ em gái và tránh làm căng thẳng leo thang.

Song, chính chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại 8 tỷ USD đã đưa bà Yingluck ra tòa và dẫn đến kịch bản như ngày nay. Phiên tòa sẽ được nối lại vào ngày 27-9 tới và nếu bà Yingluck vẫn không xuất hiện thì có thể bị kết án vắng mặt.

Các nhà quan sát cho rằng, việc đào thoát của bà Yingluck đặt dấu chấm hết cho khả năng gia tộc Shinawatra lãnh đạo một đảng chính trị ở Thái Lan. Tuy nhiên, người phát ngôn Worawut Wichaidit của Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD), được gọi là phong trào Áo đỏ ủng hộ gia tộc Shinawatra trong nhiều năm nói rằng, sự ra đi của bà Yingluck sẽ không kết thúc cuộc đấu tranh của họ dù cuộc đấu tranh sẽ khó khăn hơn.

Nguồn tin của chính phủ quân sự cũng cho rằng, chính ông Thaksin đã chuẩn bị kịch bản trốn thoát cho em gái. Thông tin này không gây bất ngờ bởi ông Thaksin từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Manchester City của Anh và nhiều bất động sản tại London. Song, theo AFP, việc đảng Pueu Thai hầu như giữ im lặng làm dấy lên đồn đoán rằng đã có một thỏa thuận với chính phủ quân sự để bà Yingluck rời khỏi đất nước (!?).

Nếu Pueu Thai muốn tiếp tục duy trì phong trào, họ sẽ phải tìm người dẫn dắt, nhất là khi cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.