Tự do du lịch, thực thi luật pháp lỏng lẻo, mạng Internet ngày càng được cải thiện… Đó là những lý do để tội phạm hình sự từ Trung Quốc đổ sang Đông Nam Á hoạt động.
Các tội phạm Trung Quốc ở Campuchia ngồi chờ lên máy bay trục xuất về nước. |
Hơn 200 người Trung Quốc bị cảnh sát Campuchia bắt giữ hồi tháng trước trong một đợt đột kích vào khu phức hợp gần biên giới Thái Lan. Những người này bị cáo buộc là băng đảng tội phạm mạng đang tìm cách tống tiền trực tuyến. Nhóm người này bị cáo buộc đã giăng bẫy nạn nhân bằng cách liên lạc làm quen qua những cuộc điện thoại Internet rồi yêu cầu họ gửi những tấm ảnh khỏa thân. Một khi họ đã nhận được ảnh này thì lập tức yêu cầu mức tiền từ 1.500 USD cho tới 15.000 USD nếu không thì sẽ đưa ảnh đó lên mạng Internet. Trước đó không lâu, Campuchia trục xuất 74 người Trung Quốc vì tội tương tự.
153 người Trung Quốc bị Indonesia bắt hồi tháng 7 vừa qua cũng với cáo buộc gian lận trực tuyến với các doanh nhân giàu có và cả chính trị gia Trung Quốc. Họ được cho là kiếm được 450 triệu USD mỗi năm. Cũng trong tháng 7, 44 người Trung Quốc và Đài Loan bị Thái Lan bắt giữ vì hoạt động lừa đảo trực tuyến với các nạn nhân đồng hương kiếm được 3 triệu USD. Không chỉ luẩn quẩn ở Đông Nam Á, các tội phạm mạng Trung Quốc cũng bị bắt ở những nước xa xôi như Fiji và Kenya.
Trung Quốc tấn công tội phạm mạng rất quyết liệt khi bắt giữ tới 19.345 người trong năm 2016. Những tội phạm còn lại qua Đông Nam Á tiếp tục hoạt động dưới dạng du lịch. Các tội phạm mạng Trung Quốc nhận thấy ở Đông Nam Á hoạt động thuận lợi hơn nhờ tốc độ Internet ở đây đang tốt lên rất mau. Hơn nữa, tình trạng kiểm soát Internet ở Đông Nam Á cũng dễ thở hơn ở Trung Quốc. Rất nhiều tội phạm Trung Quốc bị bắt ở Indonesia không có hộ chiếu hợp pháp. Campuchia đã trục xuất gần 1.000 tội phạm mạng Trung Quốc và Đài Loan trở về nước từ năm 2012.
Không dừng lại hoạt động tội phạm mạng, các băng đảng tội phạm Trung Quốc còn hoạt động mạnh ở Đông Nam Á trong lĩnh vực buôn bán ma túy, nhất là khu vực Tam giác vàng. Theo báo cáo của Văn phòng Ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) năm 2016 thì các tổ chức tội phạm ở Đông Nam Á có doanh thu lên tới 100 tỷ USD, bao gồm ma túy, buôn người, hàng lậu và vũ khí.
Các băng nhóm tội phạm Trung Quốc cũng kiểm soát hoạt động buôn bán động vật quý hiếm và khai thác gỗ lậu ở Đông Nam Á. Động vật quý hiếm được chuyển tới các nhà hàng ở khắp Trung Quốc. Tầng lớp giàu có ở đất nước đông dân nhất thế giới thích sử dụng đồ gia dụng bằng gỗ khiến mức độ khai thác gỗ lậu ở Đông Nam Á rất lớn. Tổ chức Global Witness có trụ sở ở London (Anh) cho biết chỉ riêng xuất khẩu gỗ hồng từ Đông Nam Á sang Trung Quốc năm 2014 đã lên tới 2,6 tỷ USD.
Jeremy Douglas là đại diện UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhận định rằng tình hình tội phạm Trung Quốc hoạt động ở Đông Nam Á ngày càng phức tạp do các nước trong khu vực này mở cửa hội nhập ở khu vực biên giới và xúc tiến phát triển du lịch. Hơn nữa, toàn cầu hóa tài chính càng giúp cho tội phạm quốc tế hoạt động thuận lợi hơn.
ANH THƯ (Theo Asia Times)