Nhật - Anh "bắt tay" trừng phạt Triều Tiên

.

Nhật Bản và Anh sẽ đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt chống lại CHDCND Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng bay qua lãnh thổ Nhật ngày 29-8.

Đến Tokyo ngày 31-8, Thủ tướng Anh Theresa May muốn thúc đẩy hợp tác an ninh với Nhật Bản. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) đón tiếp Thủ tướng Theresa May. 				                      Ảnh: AP
Đến Tokyo ngày 31-8, Thủ tướng Anh Theresa May muốn thúc đẩy hợp tác an ninh với Nhật Bản. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) đón tiếp Thủ tướng Theresa May. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, trong cuộc gặp gỡ ngày 31-8 tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Anh Theresa May thống nhất cùng thúc đẩy áp lực chống lại CHDCND Triều Tiên bằng cách đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt. Bà May gọi việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo ngày 29-8 bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương là “hành động liều lĩnh”, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bà May đề cập đến vai trò then chốt của Trung Quốc trong việc trừng phạt CHDCND Triều Tiên và thúc giục Bắc Kinh hành động hơn nữa để buộc Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân. “Trung Quốc có vị trí đặc biệt trong vấn đề này”, Thủ tướng May nói. Phát biểu của nhà lãnh đạo Anh được đưa ra sau khi bà tham dự cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Nhật Bản.

Sáng sớm 31-8, Trung Quốc chỉ trích thông tin Mỹ, Nhật Bản và Anh đang có kế hoạch đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng, việc đơn thuần trừng phạt “không thể cơ bản giải quyết được vấn đề”. Tại buổi họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, tình hình hiện nay chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Theo AFP, trước khi tham dự cuộc họp của NSC, Thủ tướng May mô tả Nhật Bản là “đối tác an ninh thân thiết nhất của Anh ở châu Á” và “đối tác cùng quan điểm”. Chuyến thăm Tokyo của nhà lãnh đạo Anh được cho là dấu hiệu gia tăng sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, như khẳng định của Thủ tướng May rằng, Nhật Bản có thể trông cậy vào Anh - một đối tác tin cậy và cùng quan điểm, trong việc giải quyết những thách thức về an ninh.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng muốn thúc đẩy sự hợp tác về an ninh với Anh, nhất là khi Tokyo đang quan ngại sâu sắc về “hành động phóng tên lửa liều lĩnh” của CHDCND Triều Tiên. Đầu năm 2017, Nhật Bản và Anh đã ký kết một hiệp ước hậu cần quốc phòng sửa đổi, cho phép Tokyo cung cấp đạn dược cho Úc để đối phó với những tình huống có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của Nhật.

Tuần trước, Nhật Bản cũng mở rộng các biện pháp trừng phạt của nước này đối với CHDCND Triều Tiên, tương tự động thái của Mỹ. Tokyo đang muốn Washington đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc các biện pháp trừng phạt mới, theo đó sẽ nhằm vào các lao động của CHDCND Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, việc cung cấp dầu thô và xuất khẩu mặt hàng dệt của Bình Nhưỡng.

Theo một số nhà quan sát, tuy là đồng minh của Mỹ nhưng Nhật Bản đang lo ngại về cam kết của Washington trong việc bảo vệ Tokyo trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Sau vụ CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuy cảnh báo vẫn đang cân nhắc “tất cả lựa chọn”, nhưng chưa rõ ông sẽ hành động như thế nào. Sắp tới, Bình Nhưỡng cũng có thể đưa ra những phản ứng gay gắt trước việc Nhật Bản và Anh “bắt tay” đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt.

Ngày 31-8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng 5.260 tỷ yen (47,9 tỷ USD) cho tài khóa 2018 (tính từ tháng 4-2018), đây là mức ngân sách lớn nhất từ trước đến nay. Nếu được phê chuẩn, ngân sách quốc phòng sẽ tăng 2,5% so với ngân sách ban đầu 5.130 tỷ yen của tài khóa hiện tại (tính đến hết tháng 3-2018).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.