Quốc tế
Mỹ rơi vào thế khó ở Iraq
Việc chiếm lại Kirkuk của chính phủ Iraq đặt Mỹ vào thế khó khi không thể thừa nhận quyền lực của chính phủ Iraq mà vẫn có thể duy trì quan hệ đồng minh thân thiết với lực lượng người Kurd.
Lực lượng quân đội chính phủ Iraq tiến về Kirkuk. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters cho biết, lực lượng quân đội chính phủ Iraq vừa chiếm lại tỉnh Kirkuk từ tay chính quyền người Kurd, nơi có trữ lượng dầu mỏ chiếm 10% trữ lượng trên toàn lãnh thổ Iraq. Sự việc tất yếu khiến mâu thuẫn kéo dài nhiều thập niên giữa quân chính phủ và lực lượng người Kurd leo thang cực độ.
Sự việc còn khiến mâu thuẫn nghiêm trọng hơn nữa khi ngày 25-9 vừa qua, lực lượng người Kurd tổ chức trưng cầu dân ý về quyết định ly khai khỏi Iraq. Trước cuộc trưng cầu này, chính phủ Iraq, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bày tỏ quan điểm phản đối gay gắt. Có lẽ cũng liên quan đến sự kiện trưng cầu này mà Baghdad gấp rút tiến hành cuộc tấn công giành lại tỉnh Kirkuk và họ đã thành công.
Ngày 16-10, quân đội Iraq chiếm lại các căn cứ quân sự, một giếng dầu và cơ sở hạ tầng khác do binh sĩ người Kurd bảo vệ. Trước đó, phía quân đội Iraq chỉ nói rằng, mục tiêu dàn quân của họ là trở lại những căn cứ bao quanh Kirkuk họ nắm giữ trước đây, nhưng sau đó phải rút chạy khi không đương đầu nổi với lực lượng IS. Song, họ đã tiến sâu hơn vào bên trong thành phố, giành quyền kiểm soát, hạ cờ của người Kurd xuống để kéo quốc kỳ Iraq lên. Lực lượng người Kurd Peshmerga tuyên bố Baghdad sẽ phải trả giá đắt vì “châm ngòi cho cuộc chiến tranh chống lại người Kurd”.
Việc chiếm lại Kirkuk của chính phủ Iraq là động thái kiên quyết nhất đến nay của Baghdad nhằm ngăn cản ý đồ độc lập của người Kurd. Tuy nhiên, nó cũng đặt Washington vào thế khó khi không thể thừa nhận quyền lực của chính phủ Iraq mà vẫn có thể duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết với lực lượng người Kurd.
Trước sự căng thẳng gia tăng giữa hai đối tác liên minh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mỹ - quốc gia từng tham gia huấn luyện cho cả lực lượng quân đội chính phủ Iraq lẫn các binh sĩ lực lượng người Kurd - tỏ ra khó xử. “Chúng tôi không đứng về phía nào”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng; đồng thời khẳng định Washington có “quan hệ rất tốt” với cả chính quyền Trung ương Iraq lẫn lực lượng người Kurd.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho rằng, tuyên bố “không đứng về bên nào” của Tổng thống Trump dường như không đồng nhất với quan điểm của Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Sáng 16-10, cơ quan ngoại giao này cho biết, họ ủng hộ việc “tái khẳng định hòa bình” của chính phủ Baghdad tại “tất cả khu vực tranh chấp” theo cách phù hợp với hiến pháp.
Sau đó, một quan chức khác “diễn đạt” lại vấn đề này, cho rằng quan điểm của Tổng thống Trump và Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad là đồng nhất. “Xung đột sẽ chỉ làm lợi cho những kẻ thù của Iraq, trong đó có IS và Iran”, vị quan chức này nói.
Thực tế, chính những xung đột giữa hai lực lượng đang cùng chung chiến hào chống IS này bộc lộ sự phân tán lực lượng không hề nhỏ của quân đội Iraq. Mâu thuẫn cũng khiến Quốc hội Mỹ lo ngại về việc những vũ khí do Washington cung cấp để chống IS sẽ bị biến thành công cụ để các lực lượng đối phó với nhau. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Thượng viện cảnh báo chính phủ Iraq về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu lạm dụng quá mức số vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại người Kurd.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey cho rằng, Iran sẽ hưởng lợi trong cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd. Theo ông, nước Mỹ cần bảo đảm các lực lượng do Iran ủng hộ sẽ không dấn thêm về Kirkuk để đối đầu với các chiến binh Peshmerga người Kurd. Còn theo ông Michael Knights, chuyên gia tại Viện Chính sách cận đông ở Washington, Mỹ cần có hành động để tránh cô lập lực lượng người Kurd trong khu vực.
TRẦN ĐẮC LUÂN