Quốc tế
Thỏa thuận hạt nhân Iran: "Quả bóng" ở sân Quốc hội Mỹ
Tuyên bố không chính thức xác nhận Iran đang tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân và dọa áp đặt trừng phạt trở lại với Tehran, Tổng thống Donald Trump trao “quả bóng” lại cho Quốc hội Mỹ trong việc quyết định số phận mong manh của thỏa thuận này.
Các nhà ngoại giao tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1. Ảnh: Reuters |
Dù quyết định của Tổng thống Donald Trump đã được dự báo trước nhưng vẫn làm dấy lên những tranh cãi gay gắt. Bởi lẽ, ông chủ Nhà Trắng đi ngược lại với “thành quả” của chính phủ tiền nhiệm Barack Obama và nỗ lực của châu Âu trong việc duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử (còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức).
JCPOA cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, đổi lấy việc nước Cộng hòa Hồi giáo này hạn chế chương trình hạt nhân. Thỏa thuận được ký kết đánh dấu thắng lợi của 13 năm ngoại giao marathon. Đại diện các bên tham gia đàm phán và người dân ở những nước này từng rất vui mừng bởi JCPOA mở ra hy vọng về sự ổn định cho khu vực Trung Đông; giảm nguy cơ căng thẳng, đối đầu và thậm chí chiến tranh liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Trong tuyên bố ngày 13-10 (giờ Washington), Tổng thống Trump từ chối việc chính thức xác nhận Iran đã tuân thủ nghiêm túc các điều khoản đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015. Đây là lần thứ hai trong 2 ngày liên tiếp ông Trump “tấn công” vào “di sản” của người tiền nhiệm, sau khi ký sắc lệnh hành pháp ngày 12-10 với những thay đổi làm suy yếu chính sách cải cách y tế của ông Obama. Nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ luôn gọi JCPOA là “thỏa thuận tồi tệ nhất”.
Theo đó, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét có áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cụ thể với Iran hay không, song khả năng này hiện để ngỏ. Nếu Quốc hội Mỹ quyết định trừng phạt trở lại, nghĩa là Mỹ vi phạm những điều khoản đã thống nhất trong JCPOA và thỏa thuận này sẽ thất bại. Tuy nhiên, nếu các nghị sĩ quyết định “không làm gì cả”, thỏa thuận vẫn sẽ được thực thi.
Giới quan sát cho rằng, nếu Quốc hội Mỹ áp đặt lại toàn bộ biện pháp trừng phạt Iran, hoặc đưa ra những yêu cầu mới với thỏa thuận này, thì có thể dẫn đến việc đơn phương đàm phán lại JCPOA. Lúc đó, nếu Iran không tiếp tục tuân thủ một phần hoặc toàn bộ JCPOA, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp để bỏ phiếu về nghị quyết xem xét có tiếp tục dỡ bỏ trừng phạt Tehran hay không.
Động thái của ông Trump được cho là bước đi ngược chiều, khơi mào cho cuộc “khẩu chiến” mới giữa hai nước. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích Tổng thống Trump vi phạm JCPOA, đồng thời kêu gọi Mỹ gia hạn việc nới lỏng trừng phạt, nếu không Iran sẽ có “đáp trả tương tự”. Ông Zarif còn khẳng định Tehran sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận “bất cứ lúc nào”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani phản ứng giận dữ, cho rằng đây là bài phát biểu đầy “sự xúc phạm và những lời cáo buộc giả mạo” đối với nước ông. “Iran không và sẽ không bao giờ quỳ gối trước bất cứ áp lực nước ngoài nào. Iran và thỏa thuận này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, Tổng thống Rouhani nói.
Hãng AFP gọi quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump là một canh bạc bởi dẫn đến nhiều hệ lụy: phản ứng gay gắt từ chính Quốc hội. Muốn bỏ phiếu ủng hộ quyết định của Tổng thống, Quốc hội Mỹ cần “cái gật đầu” của các nghị sĩ Dân chủ. Song, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin cho rằng, Tổng thống Trump đang tạo thêm cuộc khủng hoảng mới; theo đó, cô lập Mỹ với các đồng minh cũng như đối tác. Ngoài ra, ông Trump cũng vấp phải phản ứng từ chính các đồng minh và đối tác EU. Châu Âu tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận với Iran mà không cần có sự tham gia của Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky khẳng định, các thành viên còn lại của P5+1 ủng hộ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. “Châu Âu, Trung Quốc và Nga nhận thức rõ những hậu quả không thể bù đắp mà những hành động khiêu khích chống Iran như vậy có thể dẫn đến”, ông Slutsky nói.
Theo AFP, Tổng thống Mỹ đang tạo ra nguy cơ chính sách đối ngoại “Nước Mỹ là trên hết” sẽ chuyển sang “Nước Mỹ một mình” khi ông đối mặt với những khủng hoảng trong tương lai. Cựu cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng Ben Rhodes đặt vấn đề: “Một lần nữa ông Trump tạo ra sự hoài nghi về khả năng Mỹ tiếp tục thực hiện các cam kết đối với những thỏa thuận quốc tế”.
"Một lần nữa ông Trump tạo ra sự hoài nghi về khả năng Mỹ tiếp tục thực hiện các cam kết đối với những thỏa thuận quốc tế” Cựu cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng Ben Rhodes |
VĨNH AN