Quốc tế

Triều Tiên đánh cắp tài liệu quân sự của Mỹ, Hàn?

08:13, 12/10/2017 (GMT+7)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, các tin tặc CHDCND Triều Tiên đã đánh cắp hàng trăm tài liệu quân sự mật của Hàn Quốc, trong đó có kế hoạch hành động thời chiến có sự tham gia của Mỹ.

Máy bay chiến đấu F18 của Mỹ đậu trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc hồi tháng 3-2017.        Ảnh: Reuters
Máy bay chiến đấu F18 của Mỹ đậu trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc hồi tháng 3-2017. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters dẫn lời ông Rhee Cheol-hee, nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền tại Ủy ban Quốc phòng quốc gia Hàn Quốc cho biết, các tin tặc đã tấn công mạng lưới quân sự của Hàn Quốc vào tháng 9-2016 và tiếp cận 235 gigabyte dữ liệu.

Cũng theo ông Rhee Cheol-hee, 80% tài liệu bị rò rỉ hiện chưa được xác định cụ thể. Song, trong số các tài liệu bị đánh cắp có bản Kế hoạch hành động 5015 được sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với CHDCND Triều Tiên và cả bước đi chống lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un; kế hoạch đề phòng bất trắc cho lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc; thông tin về các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ; thông tin về các cơ sở quân sự và nhà máy điện chủ chốt…

Nếu thông tin nói trên được xác nhận sẽ càng làm Hàn Quốc lo ngại trong lúc mối quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng vẫn đang căng thẳng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đe dọa sử dụng phương án quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng. Các nhà quan sát cho rằng, tin tức về việc CHDCND Triều Tiên dường như đã tiếp cận được các kế hoạch thời chiến của Mỹ và Hàn Quốc thực chất không có tác dụng xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Sau cuộc điều tra vào tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể đứng sau một vụ tấn công nhằm vào Trung tâm Tích hợp dữ liệu quốc phòng hồi tháng 9-2016. Song, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận những đồn đoán của báo giới rằng Kế hoạch hành động 5015 bị đánh cắp. Các quan chức quốc phòng cũng không muốn đưa ra bình luận gì. Phía CHDCND Triều Tiên bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc, đồng thời chỉ trích Seoul “bịa đặt” về vụ tấn công mạng.  

Ngày 10-10 (giờ Washington), người phát ngôn Lầu Năm Góc Rob Manning cho biết, cơ quan này tự tin về việc bảo đảm an toàn của các kế hoạch tác chiến của mình và khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ CHDCND Triều Tiên. Ông Manning không xác nhận thông tin vụ đánh cắp các tài liệu quân sự do tin tặc Triều Tiên thực hiện.

Trong lúc đó, Mỹ biểu dương lực lượng nhằm ngăn chặn hành động từ phía Bình Nhưỡng bằng việc đưa 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của không quân Mỹ tham gia tập trận chung với các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc gần bán đảo Triều Tiên. Các máy bay ném bom này xuất phát từ đảo Guam, tập trận giả định bắn tên lửa không đối đất cùng với 2 máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc.

Theo AP, nếu Tổng thống Trump có bất kỳ bước tiếp cận bất thường nào đối với CHDCND Triều Tiên, bao gồm những cuộc “khẩu chiến” và đe dọa hủy diệt Bình Nhưỡng, cũng đều làm một số người dân Hàn Quốc e ngại nguy cơ chiến tranh đang đến gần hơn lúc nào hết kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 đến nay.

Ngày 10-10 (giờ Washington), Tổng thống Trump nhóm họp với các quan chức quốc phòng hàng đầu nhằm thảo luận về “một loạt lựa chọn” để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định Washington có các lựa chọn quân sự mà Tổng thống Trump có thể áp dụng nếu cần thiết nhưng cường quốc này vẫn đang thực hiện nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng.

THIÊN BÌNH

.