Quốc tế
Trung Quốc đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng
Tại phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đại biểu thống nhất thông qua điều lệ Đảng sửa đổi, trong đó trực tiếp đề cập tên Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Đại hội thông qua danh sách 204 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Ảnh: Tân Hoa xã |
Ngày 24-10, Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Đại hội lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Hãng Tân Hoa xã dẫn nội dung nghị quyết của Đại hội nêu rõ: Trong 5 năm qua, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra hàng loạt quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới; ban hành nhiều chính sách quan trọng, thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề khó khăn… Đại hội thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, trên cơ sở xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.
Đáng lưu ý, Đại hội thông qua điều lệ Đảng sửa đổi; xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, cùng chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “Ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học, trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là kim chỉ nam hành động trong điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Reuters, việc điều lệ Đảng xác lập tên tuổi ông Tập Cận Bình tôn vinh vị thế của ông ngang với người sáng lập Trung Quốc hiện đại - ông Mao Trạch Đông và củng cố quyền lực của ông trước khả năng nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Trước Đại hội 19, chỉ có 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình được xác lập tư tưởng riêng trong điều lệ Đảng. Ngay cả tên ông Đặng Tiểu Bình được đưa vào điều lệ Đảng sau khi ông qua đời năm 1997, chứ không phải lúc còn tại nhiệm.
Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cần nỗ lực không ngừng trong hành trình hiện thực hóa việc đưa Trung Quốc trẻ trung trở lại. “Trong đảng, mỗi người trong chúng ta phải luôn thở cùng hơi thở với người dân, chia sẻ cùng tương lai và thật sự kết nối với họ”, ông Tập Cận Bình nói; đồng thời khẳng định: “Khát vọng của người dân trong việc có một cuộc sống tốt đẹp hơn phải luôn là trọng tâm trong những nỗ lực của chúng ta”.
Theo Tân Hoa xã, điều lệ Đảng sửa đổi còn đề cao cuộc chiến chống tham nhũng. Nghị quyết Đại hội 19 cũng nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nỗ lực toàn diện nhằm tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng được bổ sung vào điều lệ Đảng. Sáng kiến này vốn được ông Tập Cận Bình đề ra vào năm 2013 đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới thương mại cũng như cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi dọc theo con đường tơ lụa cổ. Sáng kiến bao gồm Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21.
Đại hội đã thông qua danh sách 204 Ủy viên Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa 19, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - Thủ tướng Lý Khắc Cường; danh sách 172 Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng và danh sách 133 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI). BCH Trung ương khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên vào sáng nay (25-10), bầu Bộ Chính trị (gồm 17 người), Thường vụ Bộ Chính trị (7 người) và Tổng Bí thư.
Cựu quan chức hàng đầu về chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn - đồng minh then chốt của ông Tập Cận Bình không có tên trong Thường vụ Bộ Chính trị và cũng không có tên trong danh sách 204 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 19. Theo Reuters, vị quan chức 69 tuổi này tuy nghỉ hưu nhưng có thể vẫn giữ vai trò cấp cao khác trong một vài tháng tới. Trong danh sách 133 thành viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) được công bố ngày 24-10 có ông Triệu Lạc Tế, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Triệu sẽ thay thế ông Vương Kỳ Sơn để tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng. |
PHÚC NGUYÊN