Quốc tế

Vòng đàm phán mới về Syria: Ít hy vọng đột phá

08:00, 31/10/2017 (GMT+7)

Vòng đàm phán mới nhằm kết thúc cuộc chiến tại Syria được cho là ít có cơ hội tạo đột phá, mặc dù diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhóm Hồi giáo cực đoan bị đánh bật ra khỏi thành phố Raqqa ở phía bắc quốc gia Trung Đông này.

Đàm phán lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi IS bị đánh bật khỏi thành phố Raqqa của Syria. 							           Ảnh: AFP
Đàm phán lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi IS bị đánh bật khỏi thành phố Raqqa của Syria. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, vòng đàm phán mới ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 30 và 31-10 là một phần trong những nỗ lực do Nga dẫn đầu, với sự ủng hộ của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm kết thúc cuộc chiến tại Syria vốn làm hơn 330.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Đàm phán lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bật khỏi thành phố Raqqa ở phía bắc Syria, đánh dấu thắng lợi lớn của lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ hậu thuẫn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan Anuar Zhainakov xác nhận rằng, các phái đoàn của chính phủ Syria và phiến quân đã đến Astana để tham gia đàm phán với sự hiện diện của các nước bảo trợ là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc xung đột ở Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đứng về hai chiến tuyến khác nhau. Nga và Iran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập. Tuy nhiên, kể từ cuộc hòa giải vào năm 2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với mong muốn kết thúc khủng hoảng sau khi quân đội Ankara bắn hạ một máy bay quân sự của Mátxcơva ở khu vực biên giới Syria vào cuối năm 2015.

Theo AFP, tháng 5 vừa qua, kế hoạch về các khu vực giảm căng thẳng đã được đặt trên bàn nghị sự để giảm thiểu giao tranh giữa lực lượng của chính phủ Syria với lực lượng phiến quân, đồng thời tạo hành lang để cung cấp viện trợ cho dân thường sống trong vùng chiến sự. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế mô tả tình hình nhân đạo ở Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, rất thảm khốc hồi đầu tháng này, do xảy ra ném bom và tấn công bằng đạn pháo. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, hơn 1.000 trẻ em trong khu vực này bị suy dinh dưỡng cấp tính, hơn 1.500 trẻ trong tình trạng nghiêm trọng, trong khi các đoàn xe viện trợ không thể tiếp cận người nghèo. Các khu vực giảm căng thẳng được đặt ra nhằm hạn chế giao tranh nhưng tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế bày tỏ quan ngại rằng, bạo lực vẫn tiếp diễn.

Đàm phán lần này cũng đặt ra mục tiêu thành lập các vùng giảm căng thẳng tại 8/14 tỉnh của Syria, bao gồm: Idlib, Latakia, Aleppo, Hama, Homs, Đông Ghouta, Deraa và al-Quneitra.

Trước đó, 6 vòng đàm phán Astana được tổ chức song song với các vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ) nhưng không mang lại sự đột phá lớn nào. Tại đàm phán hồi tháng 8 vừa qua, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thống nhất cùng giám sát khu vực giảm căng thẳng thứ tư xung quanh tỉnh Idlib, như một phần trong kế hoạch của Mátxcơva nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Có những nguồn tin cho rằng, Nga đang cân nhắc khả năng giảm sự hiện diện quân sự của nước này tại Syria, trong lúc quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad giành được những thắng lợi lớn về quân sự. Theo đó, Nga chỉ duy trì các đơn vị quân cảnh, cố vấn quân sự và lực lượng cần thiết cho việc bảo vệ các cơ sở ở Hmeimim và Tartus; giảm số lượng máy bay chiến đấu nhưng vẫn duy trì các hệ thống phòng không bảo vệ các mục tiêu Nga.

Vấn đề mấu chốt trong các cuộc đàm phán là các bên liên quan chính (lực lượng chính phủ Syria và phiến quân) không chịu thay đổi quan điểm. Phiến quân hiện vẫn khăng khăng đòi ông Assad phải từ nhiệm và xem đây là tiền đề cho bất kỳ thỏa thuận nào.

Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Staffan de Mistura, cho biết vòng đàm phán sắp tới sẽ diễn ra ở Geneva từ ngày 28-11. Ông Mistura lưu ý hai bên cần sẵn sàng đàm phán về 4 vấn đề chủ chốt: chính quyền trung ương và địa phương, hiến pháp mới, các cuộc bầu cử được Liên Hợp Quốc giám sát và cuộc chiến chống khủng bố.

PHÚC NGUYÊN

.