Vấn đề Triều Tiên và những lợi ích thương mại của Mỹ sẽ bao trùm các chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du châu Á 12 ngày. Đây là chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ trong vòng hơn 25 năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đến căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản. Ảnh: AP |
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Á với chặng dừng chân đầu tiên ở Nhật Bản (từ ngày 5 đến 7-11). Phát biểu với báo giới trên chuyên cơ Air Force One, ông khẳng định vấn đề Triều Tiên sẽ chiếm lĩnh nội dung các cuộc bàn thảo, đồng thời cho rằng đây là vấn đề lớn cần giải quyết. Theo ông, Mỹ “hoàn toàn mềm yếu” suốt 25 năm qua khi giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông Trump còn cho hay, Washington sẽ sớm quyết định việc đưa Bình Nhưỡng vào lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Cũng theo một trợ lý cấp cao của Tổng thống Trump, ông chủ Nhà Trắng sẽ nói với các nhà lãnh đạo châu Á rằng, thế giới “hết thời gian” để đối phó với khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Các nhà phân tích nhận định, chuyến công du lần này đánh dấu bước ngoặt trong mục tiêu chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Donald Trump, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Mỹ đang thể hiện quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng, đồng thời muốn khôi phục niềm tin của các đồng minh về cam kết của Washington trong việc bảo vệ các nước này trong trường hợp xảy ra tấn công. Vì vậy, khi đến căn cứ không quân Yokota ở phía tây Tokyo (Nhật Bản), ông ngay lập tức khẳng định Nhật Bản là “đồng minh quan trọng” của Mỹ.
Những động thái gần đây của CHDCND Triều Tiên, bao gồm một số vụ thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản và vụ thử hạt nhân lần thứ 6, làm gia tăng thách thức trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Việc các máy bay ném bom của Mỹ diễn tập trên không phận Hàn Quốc càng làm dấy lên căng thẳng lên bán đảo Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc từ ngày 7 đến 8-11, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội nước này và có thể có những lời lẽ cứng rắn gửi đến CHDCND Triều Tiên. GS. Koo Kab-Woo tại Đại học Nghiên cứu CHDCND Triều Tiên ở Seoul cho rằng, nếu ông Trump nói điều gì “kích động” Triều Tiên thì có thể làm căng thẳng quân sự bùng phát. Ngoài ra, đến Hàn Quốc sau chặng dừng chân ở Nhật Bản, ông Trump sẽ phải ứng xử cẩn thận, tránh “bên nặng, bên khinh” giữa hai đồng minh Seoul và Tokyo; bởi lẽ, nhà lãnh đạo Mỹ vốn có mối quan hệ lạnh nhạt hơn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Sau đó, ông Trump sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 8 đến 10-11, thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 12-11 và thăm Philippines từ ngày 12 đến 13-11. Vấn đề Triều Tiên cũng sẽ là nội dung hàng đầu trong cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thúc giục Trung Quốc trừng phạt và có thêm biện pháp nhằm kiềm chế Triều Tiên; đồng thời tìm cách giảm thâm hụt thương mại đang cao ngất ngưởng của Mỹ mà ông Trump từng chỉ trích nguyên nhân do Bắc Kinh gây thâm hụt thương mại, cản trở các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc và vi phạm sở hữu trí tuệ…
Theo các nhà quan sát, chuyến công du của Tổng thống Trump là dịp để Mỹ xác lập vị thế, vai trò hiện tại và tương lai ở châu Á. Hơn nữa, lúc tranh cử tổng thống, ông Trump từng phát biểu về việc không muốn Mỹ phải gồng gánh quá nhiều chi phí cho hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, các nước châu Á chờ xem ông Trump sẽ thể hiện cam kết của mình như thế nào trong việc phát triển quân sự Mỹ ở khu vực này.
Trong 10 tháng đầu ông Trump tiếp quản Nhà Trắng với quan điểm “nước Mỹ là trên hết”, những tuyên bố khác nhau của ông và các cố vấn đã khiến các nhà lãnh đạo châu Á băn khoăn. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp vùng Thái Bình Dương lo ngại về tương lai của thương mại.
Dù sao chuyến công cán lần này cũng là cơ hội để tái khẳng định cam kết của Washington với khu vực, củng cố quan hệ với đồng minh truyền thống và mở rộng liên minh - đối tác mới. Song, tại các nước Đông Bắc Á, câu chuyện có thể không dễ dàng...
VĨNH AN