Quốc tế

Sắp kết thúc "kỷ nguyên" Mugabe

08:17, 20/11/2017 (GMT+7)

“Triều đại” 37 năm của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe sắp kết thúc khi đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF) dự kiến sa thải ông và các tướng lĩnh quân đội gây áp lực để nhà lãnh đạo này từ chức.

Ông Robert Mugabe làm Thủ tướng 7 năm và làm Tổng thống suốt 30 năm. 	        Ảnh: AFP
Ông Robert Mugabe làm Thủ tướng 7 năm và làm Tổng thống suốt 30 năm. Ảnh: AFP

Sự sụp đổ của Tổng thống Robert Mugabe xuất phát từ việc ông cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhằm dọn đường cho vợ ông, bà Grace Mugabe, ngồi vào chiếc ghế quyền lực kế nhiệm ông. Quyết định này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ quân đội, dẫn đến cuộc “binh biến không đổ máu” ở Zimbabwe trong những ngày qua. Quân đội khẳng định đây không phải là hành động đảo chính, nhưng giới quan sát cho rằng việc giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước, các phương tiện truyền thông và quản thúc Tổng thống sẽ mở ra cuộc chuyển giao quyền lực tại quốc gia miền nam châu Phi này.

Theo các nhà quan sát, giờ đây, không còn đường để ông Mugabe trở lại nắm quyền và chỉ có một lối thoát duy nhất dành cho nhà lãnh đạo 93 tuổi này: từ chức. Hàng chục ngàn người biểu tình trên đường phố Zimbabwe ca hát, nhảy múa… chính là dấu hiệu kết thúc “kỷ nguyên” Mugabe vốn kéo dài suốt 37 năm qua với 7 năm làm Thủ tướng và 30 năm làm Tổng thống.

Hãng AFP cũng cho biết, 9/10 nhánh của ZANU-PF kêu gọi ông Mugabe từ nhiệm. Ủy ban Trung ương đảng này tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 19-11 (giờ địa phương) để cách chức Chủ tịch ZANU-PF đối với ông Mugabe. Phiên họp cũng phục hồi chức Phó Chủ tịch đảng cho cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwaa và loại bà Grace ra khỏi ban lãnh đạo Liên đoàn Phụ nữ của ZANU-PF. Không những thế, Liên đoàn Thanh niên của ZANU-PF vốn có nhiều ảnh hưởng đã kêu gọi Tổng thống Mugabe rời nhiệm sở và trục xuất bà Grace ra khỏi đảng.

Tối 19-11, các tướng lĩnh quân đội - những người dẫn đầu cuộc “đảo chính” - đàm phán với ông Mugabe. Trước đó, hai bên đã gặp gỡ, cùng chụp ảnh chung để chứng minh quá trình đàm phán cho sự ra đi của ông Mugabe.

Song, cũng theo các nhà phân tích, việc ông Mugabe cách chức Phó Tổng thống Mnangagwa hay tham vọng chính trị của bà Grace chỉ là đỉnh điểm dẫn đến căng thẳng. Thực chất, mâu thuẫn nội tại của Zimbabwe có từ lâu khi sự độc tài cùng những sai lầm trong chính sách cải cách đất đai đã đẩy đất nước từng là một trong những quốc gia giàu có nhất châu Phi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thất nghiệp tràn lan. Người dân sống trong cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, điện, nước, nhiên liệu và đối mặt với dịch bệnh, trong khi cuộc sống của ông Mugabe đầy xa hoa. Từng có thời kỳ lạm phát lên tới 230 triệu % và 100 tỷ đô-la Zimbabwe chỉ tương đương khoảng 1,20 USD. Đó là chưa kể đến tình trạng tham nhũng, bạo lực… khiến cuộc sống của người dân ngày càng tồi tệ. Theo tờ Economist, hiện gần ¼ người dân Zimbabwe cần được hỗ trợ lương thực và 72% trong số họ sống trong nghèo đói. Ông Mugabe từ một anh hùng dân tộc, đưa đất nước giành độc lập, thoát khỏi cảnh làm thuộc địa của Anh, nay trở thành kẻ độc tài hủy hoại nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, hãng Reuters cho rằng, sự sụp đổ của Tổng thống Mugabe chỉ trong 4 ngày qua dường như cũng tạo ra “cơn sóng thần” trên khắp châu Phi, nơi có nhiều nhà lãnh đạo bị cho là cũng như ông Mugabe. Theo đó, từ Yoweri Museveni của Uganda đến Joseph Kabila của Congo đều đang đối mặt với áp lực từ chức.

Vốn chỉ trích ông Mugabe, Mỹ đang tìm kiếm một kỷ nguyên mới ở Zimbabwe. Còn Tổng thống Ian Khama của nước láng giềng Botswana nói rằng, ông Mugabe không có sự ủng hộ ngoại giao ở khu vực và nên từ chức ngay lập tức.

VĨNH AN

.