Quốc tế
Thế giới đồng loạt lên tiếng về khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe
Sau những bất ổn chính trị tại Zimbabwe, lãnh đạo một loạt các tổ chức và các nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi hòa bình cho quốc gia này.
Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Guinea Alpha Conde khẳng định Liên minh châu Phi đề nghị tôn trọng Hiến pháp, thiết lập lại trật tự và không bao giờ chấp nhận đảo chính quân sự tại Zimbabwe.
Xe thiết giáp quân sự xuất hiện trên đường phố Zimbabwe. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat cũng ra tuyên bố về tình hình Zimbabwe và kêu gọi các bên liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này phù hợp với các quy định chung của châu lục.
Ông Faki Mahamat nhấn mạnh, rằng điều quan trọng là khủng hoảng sẽ được giải quyết theo cách thức thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của Zimbabwe.
Ngoài ra, vị quan chức này cho biết Liên minh châu Phi đang hợp tác chặt chẽ với Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) và các nhà lãnh đạo của khu vực để đưa ra một giải pháp khả thi ở Zimbabwe.
Trong khi đó, ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, những diễn biến tình hình hiện nay tại Zimbabwe hiện khá rối ren và Liên Hợp Quốc đang cố gắng tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Một loạt các quốc gia cũng đã đưa ra những phản ứng riêng về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Zimbabwe. Đức kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp giải quyết khủng hoảng hòa bình. Trong khi đó, Nam Phi đề nghị quân đội Zimbabwe “không có những hành động trái Hiến pháp của Chính phủ”.
Còn trong một tuyên bố khác, Đại sứ quán Mỹ tại Harare cho biết, Mỹ quan tâm sâu sắc đến các hành động gần đây của quân đội Zimbabwe. Chính phủ Mỹ không can thiệp đến các vấn đề về chính trị nội bộ của Zimbabwe và kêu gọi một quá trình chuyển đổi nhanh chóng.
Mỹ cũng hối thúc các nhà lãnh đạo quân sự Zimbabwe kiềm chế, tôn trọng luật pháp, tôn trọng các quyền được bảo vệ của mọi công dân theo Hiến pháp và nhanh chóng đưa đất nước trở lại bình thường.
Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe đã tạm thời đóng cửa, công dân Mỹ đang cư trú ở nước này được khuyến cáo nên hạn chế ra đường. Anh cũng đưa ra cảnh báo tương tự với công dân của mình.
Trong khi đó, bất chấp những sức ép do bị quân đội quản thúc, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe vẫn kiên quyết không từ chức ngay lập tức.
Tổng thống Mugabe khẳng định, ông vẫn là người cai trị hợp pháp duy nhất của Zimbabwe và không chấp nhận từ chức sau cuộc đảo chính của quân đội. Ông Mugabe đồng thời bác bỏ đề xuất của một linh mục Cơ đốc giáo đứng ra hòa giải nhằm tạo điều kiện cho ông rút lui êm thấm sau cuộc đảo chính.
Những tuyên bố này của Tổng thống Mugabe cho thấy quyết tâm theo đuổi quyền lực của ông bất chấp nhà lãnh đạo đối lập Morgan Tsvangirai trước đó đã kêu gọi ông Mugabe từ chức: "Vì lợi ích của người dân, ông Mugabe phải từ chức và từ chức ngay lập tức để thỏa lòng mong đợi của người dân trên cả nước".
Theo VOV.VN