Quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn bị gì cho chuyến thăm Trung Quốc?

09:40, 03/11/2017 (GMT+7)

Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên được cho là một nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Mỹ sẽ gây sức ép đến đâu?

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang thu thập thông tin để chuẩn bị tung ra những đòn trừng phạt mới nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.

Các quan chức cao cấp của Mỹ cho biết, ông Trump sẽ cố thuyết phục ông Tập Cận Bình cần phải cứng rắn hơn với Triều Tiên, trong đó có việc hạn chế xuất khẩu dầu mỏ, nhập khẩu than cũng như thực hiện các giao dịch tài chính với Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về việc ông Tập Cận Bình sẽ “lắng nghe” Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi chính ông Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc đã rất nỗ lực trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng viện dẫn việc nước này bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt gần đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên như một bằng chứng cho thấy, Trung Quốc cũng đã rất cứng rắn trong việc buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đầy tham vọng.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng, những nỗ lực nói trên của phía Trung Quốc vẫn là chưa đủ, và Mỹ và các đồng minh vẫn đang thu thập thêm thông tin chi tiết về các giao dịch tài chính giữa các ngân hàng Trung Quốc với Triều Tiên nhằm xác định rõ các đối tượng cần chịu lệnh trừng phạt sắp tới.

Dù vậy, giới chức Mỹ cũng cho rằng, các biện pháp này sẽ chỉ nhằm vào một số ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc để buộc họ dừng làm ăn với Triều Tiên và ít có khả năng “đụng đến” Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để tránh mọi việc “đi quá giới hạn”.

Điều này xuất phát từ việc, Mỹ cũng e ngại về khả năng Trung Quốc sẽ “tung đòn đáp trả” khiến các ngân hàng và thể chế tài chính Mỹ thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, cuộc chiến tài chính Mỹ-Trung cũng được cho là sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

Để thể thiện thiện chí của mình ngay khi có thông tin ông Trump sẽ công du đến Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để “đạt được những kết quả quan trọng” như mong muốn của cả hai bên.

Tham vấn cả những “chuyên gia về Trung Quốc”

Để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger- nhân vật có tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Mỹ Richard Nixon thực hiện chính sách cởi mở hơn với Trung Quốc kể từ năm 1972- tới để tham vấn.

Ngoài ra, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hỏi ý kiến của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về vấn đề Triều Tiên. Theo ông Lý Hiển Long, nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là yếu tố tối quan trọng cho sự tồn vong của chế độ Triều Tiên sau khi chứng kiến những gì Mỹ đã làm tại Iraq và Lybia.

Một quan chức Mỹ tham gia cuộc gặp nói trên cho biết: “Ông Lý Hiển Long cho rằng, sẽ rất khó để Mỹ thuyết phục ông Kim Jong-un rằng, Mỹ không hề có ý định lật đổ chế độ Triều Tiên”. Điều này xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa “hủy diệt Triều Tiên” và cũng đã triển khai nhiều nhóm tàu sân bay tấn công đến vùng biển Triều Tiên để răn đe.

Dù vậy, các quan chức Mỹ khẳng định, ông Trump vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao đối với Triều Tiên và Tổng thống Mỹ rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc để buộc Triều Tiên thay đổi ý định của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khó có chuyện Trung Quốc ngả theo Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định: “Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận thay đổi nhiều về chính sách đối với Triều Tiên chỉ vì sức ép từ Mỹ”.

Trong khi đó, Giáo sư Toshihiro Nayakama tại Đại học Keio, Nhật Bản cho rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng đối với vấn đề Triều Tiên: “Mối lo ngại nhất hiện nay chính là ông Trump chưa có được một chính sách cụ thể đối với Triều Tiên và châu Á”.

“Tổng thống Mỹ muốn gây áp lực với Trung Quốc để Trung Quốc can thiệp vào vấn đề Triều Tiên, tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ Mỹ vẫn chưa cân nhắc hết việc sẽ gây áp lực với Trung Quốc đến đâu?”, Giáo sư Toshihiro Nayakama nhận định.

Đến thời điểm này, Chính phủ Mỹ vẫn đang cân nhắc áp dụng các biện pháp thương mại đối với Trung Quốc để buộc Trung Quốc “mạnh tay hơn” trong vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong khi một số cố vấn độc lập cho rằng ông Trump chỉ nên dừng ở mức “răn đe vừa phải” với Trung Quốc thì chính ông Trump và các cố vấn thân cận của ông lại đang công khai đề cập đến khả năng có thể xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo VOV

.