Quốc tế

Jerusalem thành "chảo lửa"

10:57, 09/12/2017 (GMT+7)

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tiếp tục làm dấy lên phản ứng tức giận trên khắp thế giới Arab và Hồi giáo. Jerusalem càng trở thành “chảo lửa” khi Israel dự kiến xây dựng hàng nghìn căn hộ mới ở thành phố này.

Người dân Ai Cập biểu tình phản đối việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong ảnh: Những người biểu tình giăng biểu ngữ lên án Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 		                 		                Ảnh: Reuters
Người dân Ai Cập biểu tình phản đối việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong ảnh: Những người biểu tình giăng biểu ngữ lên án Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ngày 8-12, hàng ngàn người Palestine biểu tình ở Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem nhằm chống lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Hãng Reuters cho biết, trên khắp thế giới Arab và Hồi giáo, hàng ngàn người biểu tình xuống đường bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine và chỉ trích động thái của Mỹ. Trong khi đó, Israel triển khai hàng trăm sĩ quan cảnh sát đến khu vực thành cổ Jerusalem.

Thực chất, ông Trump không phải người “phát kiến” quyết định nói trên, mà chỉ thực hiện điều đã được quy định trong đạo luật của nước Mỹ.  

Năm 1995, Quốc hội Mỹ phê chuẩn Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem, trong đó cho rằng nên coi Jerusalem là thủ đô của Israel và Đại sứ quán Mỹ tại Israel nên được đặt tại Jerusalem vào năm 1999.
Tuy nhiên, đạo luật đó còn có thêm một điều khoản khác, đó là cho phép các tổng thống trì hoãn việc di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Vì vậy, kể từ sau đạo luật đó, các tổng thống Mỹ vẫn vận dụng điều khoản này để trì hoãn chuyện di dời Đại sứ quán Mỹ vì lo ngại sẽ châm ngòi nổ xung đột tại Trung Đông và đe dọa các cuộc đàm phán hòa bình.

Thế nhưng, vì sao ông Trump là người quyết định hành động? Phải chăng nhà lãnh đạo này cho rằng, sau 22 năm kể từ ngày Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem được phê chuẩn, ông nhận thấy vị trí địa lý thực tế của nó chẳng có vai trò gì đáng kể với thỏa thuận hòa bình trong khu vực? Đó là lý do để ông Trump hành động khác so với những người tiền nhiệm là Bill Clinton, G.W.Bush và Barack Obama? Các vị này trên thực tế đều ủng hộ việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel, nhưng đã không thực hiện điều khoản di dời Đại sứ quán Mỹ.

Một vấn đề nữa là tại sao ông Trump lại công bố quyết định thừa nhận Jerusalem vào lúc này mà không phải lúc khác?

Theo báo New York Times, khoảng 10 ngày trước khi ông Trump nhậm chức, Sheldon G. Adelson - doanh nhân người Mỹ kiêm Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Las Vegas Sands - đến gặp riêng chủ nhân mới của Nhà Trắng tại tòa tháp mang tên ông Trump (Trump Tower). Sau cuộc gặp này, ông Adelson gọi điện cho một người bạn cũ là nhà kinh tế học người Mỹ sinh tại Đức - nhà hoạt động chính trị ủng hộ Israel, Chủ tịch Zionist Organization of America (ZOA) và cho biết, ông Trump đã nói với ông Adelson rằng việc dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem là ưu tiên lớn của ông ấy.

Thế nhưng, ông Adelson và người bạn của mình đã phải chờ đợi gần 1 năm để nghe tuyên bố chính thức của ông Trump. Động thái đó được Tổng thống Mỹ đưa ra đúng thời điểm cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ liên quan một số nhân sự cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump (trong đó có cựu Cố vấn an ninh quốc gia Flynn) đang có những chuyển biến lớn. Cùng với đó là thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện tại bang có truyền thống bảo thủ Alabama. Hoặc một lý do nữa là thời hạn sắp phải ký lại quyết định hoãn việc di dời Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv (6 tháng một lần) đã đến, và ông Trump phát nản khi phải ký đi ký lại một văn bản như vậy.

Còn một câu hỏi nữa, ai sẽ được lợi khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel? Cũng giống như khá nhiều chính sách đối ngoại quan trọng khác được ông Trump quyết định kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng, việc công nhận Jerusalem phần nào đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận dân chúng Mỹ, nhất là những cử tri Do Thái. Hơn nữa, đây là một trong những cam kết của ông Trump lúc tranh cử. Vì vậy, ông sẽ nhận được sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng. Còn với các nước khác, đương nhiên Israel là quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ quyết định đó. Israel đang lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn căn hộ mới ở thành phố Jerusalem, trong đó có khoảng 6.000 căn hộ tại Đông Jerusalem.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ, bài phát biểu của ông Trump về việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô Israel phần nào bớt căng thẳng hơn nhờ một số yếu tố “gia giảm” mà ông đã thận trọng “cài cắm”. Theo đó, Tổng thống Mỹ cho rằng nước Mỹ “sẽ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu giải pháp đó được cả hai bên nhất trí”. Ở một chừng mực ông vẫn đang bảo đảm cam kết của Washington với một vấn đề căn cốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ suốt nhiều thập niên. Ông cũng kêu gọi hai bên duy trì tình trạng hiện có tại thành phố Jerusalem.

Mặt khác, mặc dù thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng Tổng thống Trump không gọi đó là “thủ đô không thể chia cắt của Israel”. Ông chủ Nhà Trắng còn để ngỏ cửa cho khả năng hai quốc gia Israel và Palestine có thể chia đôi thành phố này thông qua những cuộc đàm phán về lãnh thổ cuối cùng giữa hai dân tộc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.