Mỹ "mua chuộc ngoại giao" bất thành

.

Việc Tổng thống Donald Trump dọa cắt viện trợ với bất kỳ nước nào bỏ phiếu chống lại quyết định của ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được cho là hành động “mua chuộc ngoại giao” nhưng bất thành.

Tình trạng Jerusalem là vấn đề gây bất đồng gay gắt giữa Israel và Palestine.			Ảnh: New York Post
Tình trạng Jerusalem là vấn đề gây bất đồng gay gắt giữa Israel và Palestine. Ảnh: New York Post

Ông Phil Mudd, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), mô tả lời đe dọa của Tổng thống Trump là “mua chuộc ngoại giao”. “Đây là mua chuộc ngoại giao”, ông Phil Mudd khẳng định. Trong khi đó, Ngoại trưởng Palestine Riad Malki cho rằng, phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 21-12 vừa qua là một thử thách chưa từng có với các thành viên của cơ quan này.

Bất chấp đe dọa của Mỹ, nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã được Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định, dù kết quả thế nào cũng không thể làm thay đổi quyết định của Washington.

Hầu hết đồng minh lớn của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết. Úc và Canada bỏ phiếu trắng. Colombia, vốn nhận viện trợ quân sự của Mỹ, cũng bỏ phiếu trắng. Ai Cập, Jordan và Afghanistan đều nhận viện trợ của Mỹ nhưng đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.

Trước đó, trong cuộc họp nội các, Tổng thống Trump nói rằng, nhiều quốc gia đã “nhận hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD, nhưng sau đó lại bỏ phiếu chống lại Mỹ”. “Chúng ta đang theo dõi những lá phiếu. Cứ để họ bỏ phiếu chống lại chúng ta, chúng ta sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Chúng ta không bận tâm”, ông Trump nói.

Đại sứ Nikki Haley cũng đã gửi thư đến hầu hết các thành viên Đại hội đồng LHQ và dọa sẽ “ghi sổ” và báo cáo với Tổng thống Trump tên những nước bỏ phiếu chống lại Mỹ; đồng thời bà chẳng ngại ngần công khai nội dung này trên Twitter.

Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc như của H​ội đồng Bảo an, nhưng mang sức nặng chính trị nhất định bởi phản ánh quan điểm chung của cộng đồng quốc tế. Các nhà quan sát nhận định, thông điệp của Mỹ đưa ra rất rõ, rằng nếu ai chống lại hoặc gây bất lợi cho Washington thì sẽ phải trả giá. Có lẽ chưa khi nào trước giờ bỏ phiếu, các thành viên Đại hội đồng LHQ lại chịu áp lực như vậy.

Giáo sư Doron Ben-Atar nghiên cứu về lịch sử Mỹ tại Đại học Fordham ở New York gọi cuộc bỏ phiếu nói trên là “sự bất thường hiếm thấy” khi Washington bị cô lập. Theo báo Christian Science Monitor, hành động của Mỹ vấp phải sự chỉ trích của những người từng là nhà ngoại giao và các chuyên gia về quan hệ quốc tế. Các chuyên gia này cho rằng, Mỹ cô lập mình trong lúc cần các đối tác để giải quyết các vấn đề CHDCND Triều Tiên, Iran…

Ông Frank Gaffney, Chủ tịch Trung tâm Chính sách an ninh ở Washington và là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách an ninh quốc tế dưới thời Tổng thống Ronald Reagan bình luận: Tổng thống Trump đã hàm ý rằng, các nước sẽ phải trả giá cho việc lựa chọn chống lại Mỹ. Theo ông Gaffney, Mỹ nên bắt đầu “trả đũa” bằng việc cắt giảm mức đóng góp thường niên cho LHQ và sau đó nên cắt viện trợ đối với chính quyền Palestine. Tuy nhiên, sau 2 mục tiêu này, việc cắt viện trợ “những nước đã bỏ phiếu chống lại chúng tôi” trở nên mơ hồ và khó thực hiện.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.