Quốc tế
Tranh cử tổng thống Nga năm 2018: Ông Putin là ứng viên độc lập
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, ông sẽ tranh cử vào đầu năm 2018 với tư cách ứng viên độc lập, thay vì đại diện đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền.
Tổng thống Vladimir Putin muốn xây dựng nước Nga hiện đại. Ảnh: Reuters |
Vấn đề tái tranh cử tổng thống, lý do và mục đích tranh cử đã thu hút sự chú ý của báo giới ngay khi bắt đầu cuộc họp báo lớn thường niên của ông Vladimir Putin tại thủ đô Mátxcơva ngày 14-12, với sự tham dự của khoảng 1.600 nhà báo trong nước và quốc tế. “Tôi sẽ thay mặt chính mình để tranh cử”, ông Putin nói và nhấn mạnh: “Nước Nga sẽ chỉ tiến lên phía trước và không bao giờ có thế lực nào ngăn chặn Nga trên con đường ấy”.
Hãng Reuters cho biết, trong các cuộc bầu cử trước đây, ông Putin luôn là ứng viên của đảng Nước Nga thống nhất. Song lần này, ông không đề cập lý do tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin chỉ khẳng định, động cơ của ông cũng như của chính quyền là nâng cao thu nhập của người dân cũng như cải thiện tình hình xã hội của đất nước; theo đó xây dựng một nước Nga hiện đại. Nếu tái đắc cử, ông sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế của đất nước. Ông cũng sẽ hiện đại hóa nền kinh tế, làm nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn và gia tăng hiệu quả. Song, hiện còn quá sớm để đưa ra chương trình tranh cử.
Theo Tổng thống Putin, Nga đã vượt qua 2 “cú sốc” kinh tế gồm: lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm. Trong đó, việc giá dầu giảm đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga hơn các lệnh trừng phạt.
Dữ liệu từ Trung tâm thăm dò Levada cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin trong tháng 11 vừa qua đạt 81%, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Dmitry Medvedev là 44%. Theo các nhà phân tích, khi là ứng viên độc lập, ông Putin muốn giành được sự ủng hộ từ nhiều đảng, hơn là chỉ gói gọn trong đảng Nước Nga thống nhất.
Ông Putin cũng bày tỏ mong muốn có môi trường chính trị cạnh tranh hơn và một hệ thống chính trị cân bằng. “Hệ thống chính trị của chúng ta cũng như hệ thống kinh tế nên cạnh tranh và đó là mục tiêu của tôi”, ông chủ Điện Kremlin 65 tuổi nói. Phát biểu này được đưa ra khi ông đề cập việc không có đối thủ thật sự ở trong nước. “Vì sao không có một người có khả năng cạnh tranh. Điều đơn giản nhất với tôi để nói là không tạo ra những đối thủ cạnh tranh. Họ (phe đối lập hiện tại) không tạo ra cạnh tranh thực sự với chính phủ đương nhiệm”, ông Putin cho biết.
Theo giới quan sát, là nhà lãnh đạo của Nga từ năm 2000, dù trên cương vị Tổng thống hay Thủ tướng, ông Putin đều có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị của đất nước. Với sự ủng hộ 81% hiện nay, ông dường như dễ dàng giành nhiệm kỳ thứ tư, kéo dài thêm 6 năm, tức đến năm 2024, khi ông 72 tuổi. Dự kiến cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 18-3-2018.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi cải thiện quan hệ với Mỹ, cho rằng Mỹ và Nga nên “cùng tiến lên phía trước”; đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai cường quốc sẽ sớm bình thường hóa. Ông bác bỏ những cáo buộc về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, gọi đây là “điều vô lý”.
Khi được hỏi về Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) ký năm 1987 giữa Nga và Mỹ, ông Putin khẳng định, về thực chất, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước và Mátxcơva sẽ chỉ bảo đảm an ninh của mình chứ không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang cùng với Washington. Theo đó, Nga sẽ củng cố quân đội nhưng không tiêu tốn quá nhiều ngân sách bởi không chạy đua vũ trang. Chi phí quân sự của Nga hiện trên 46 tỷ USD, so với 700 tỷ USD của Mỹ.
Cuộc họp báo thường niên dịp cuối năm tổ chức tại Trung tâm Thương mại quốc tế Matxcơva trưa 14-12 là cuộc thứ 13 của Tổng thống Vladimir Putin. Tổng thống Putin đã đảm nhận cương vị nguyên thủ quốc gia Liên bang Nga hai nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp (2000-2008), sau đó làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2008-2012. Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4-3-2012, ông Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 6 năm theo Hiến pháp sửa đổi. |
THIÊN BÌNH