Quốc tế
Trung Quốc và Nga phản ứng
Cả Trung Quốc lẫn Nga đều không thống nhất việc Mỹ xem hai nước này là đối thủ chiến lược như Tổng thống Donald Trump đề cập trong chiến lược an ninh quốc gia.
Tổng thống Donald Trump xác định Trung Quốc và Nga là các đối thủ chiến lược của Mỹ. Trong ảnh: Ông Donald Trump đến căn cứ không quân của Mỹ ở Virginia. Ảnh: AP |
Chiến lược an ninh quốc gia được công bố ngày 18-12 (giờ Washington) xác định Trung Quốc và Nga là “các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”. “Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ”, chiến lược nêu rõ.
Hãng AP cho biết, chính phủ Trung Quốc ngày 19-12 chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump xem Bắc Kinh là đối thủ chiến lược, đồng thời kêu gọi Washington “từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh” và chấp nhận sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tân Hoa xã cho rằng, quyết định của ông chủ Nhà Trắng phản ánh “chiến thắng của phe cứng rắn” trong chính phủ Mỹ. Hãng tin này cũng cảnh báo, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đối mặt với “nhiều áp lực và thách thức hơn”.
Mỹ và Trung Quốc có quan hệ thương mại lớn nhất thế giới; đồng thời hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng sạch đến y tế cộng đồng. Tuy nhiên, Bắc Kinh xem Washington là trở ngại trong quá trình trở thành một cường quốc nổi bật ở khu vực Đông Á, hay các vấn đề thương mại, công nghệ và cả việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng, chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của các nước khác và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố kêu gọi Mỹ nên “thích ứng và chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc”.
Theo AP, các quan chức Mỹ đương nhiên không hài lòng khi Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự và cường quốc châu Á này dành mức chi tiêu cho quân sự cao thứ hai thế giới, sau Washington. Mỹ cũng xem “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - dự án nhằm xây dựng các tuyến đường sắt và cơ sở hạ tầng khác khắp các nước, từ châu Á đến châu Âu và châu Phi - là một phần nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của Washington, đồng thời gia tăng một thể chế chính trị mà Trung Quốc là trung tâm.
Bên cạnh đó, chiến lược an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh đến an ninh kinh tế và một lần nữa cho rằng, Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ, dùng “chiêu” khích lệ kinh tế để thuyết phục các chính phủ khác phục vụ lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Chiến lược đề xuất hạn chế thị thực nhập cảnh để ngăn chặn người nước ngoài đánh cắp sở hữu trí tuệ, nhất là người Trung Quốc - những người đến Mỹ để nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, toán học và công nghệ.
Theo các nhà quan sát, báo cáo nói trên phản ánh sự thay đổi bất ngờ lập trường của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc; thậm chí Mỹ cho rằng Bắc Kinh muốn thay thế Washington ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mở rộng tầm của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý và thiết lập lại trật tự trong khu vực theo hướng có lợi cho nước này...
“Báo cáo phản ánh việc Washington miễn cưỡng chấp nhận thực tế trỗi dậy của Trung Quốc”, tờ Global Times nhận định. Song, tờ báo này cho rằng, Mỹ không thể kiềm chế Trung Quốc. “Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển và tầm ảnh hưởng tiếp tục mở rộng, đây là nguyên nhân gốc rễ làm Washington lo lắng”, báo Global Times viết.
Trong lúc đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không đồng ý việc Mỹ xem Mátxcơva là mối đe dọa. Ông Peskov nói rằng, chiến lược an ninh quốc gia nói trên cho thấy Mỹ không sẵn sàng từ bỏ chủ nghĩa đơn phương.
Theo AP, chiến lược thể hiện sự cứng rắn của Mỹ đối với Nga hơn so với những gì ông Trump công bố trước đó. Hơn nữa, Mỹ còn cáo buộc Nga “đang tích cực làm suy yếu những lợi ích của Washington cả ở trong lẫn ngoài nước”. Ông Peskov mô tả những nội dung chiến lược đề cập nhằm vào Mátxcơva thể hiện “sự ác cảm đối với một thế giới đa cực”.
PHÚC NGUYÊN