Tham dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc.
Chiều 3-3, tại Bắc Kinh, Uỷ ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc gọi tắt là Chính hiệp toàn quốc (CPPCC) - cơ quan hiệp thương và cố vấn chính trị cao nhất của Trung Quốc đã khai mạc kỳ họp toàn thể lần thứ nhất khoá 13.
Toàn cảnh kỳ họp. |
Tham dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc.
Tại phiên khai mạc, thay mặt Uỷ ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc khoá 12, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp khóa 12 đã trình bày báo cáo tổng kết tình hình công tác trong 5 năm qua của Chính hiệp khóa 12 và một số kiến nghị cho công tác của Chính hiệp thời gian tới.
Ông Du Chính Thanh nhấn mạnh: “Chính hiệp cần coi việc học tập quán triệt tinh thần của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặt tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới xuyên suốt cương lĩnh công tác của Chính hiệp, coi việc kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc làm trục chính trong việc củng cố nền tảng chính trị tư tưởng chung, kiên trì tư tưởng phát triển lấy người dân làm trung tâm”.
Trong 12 ngày làm việc, (từ ngày 3-15/3), các đại biểu sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Nghiên cứu, thảo luận Báo cáo công tác và Báo cáo tình hình công tác đề án của Ủy ban thường vụ Chính hiệp toàn quốc khóa 12; Thảo luận Báo cáo công tác chính phủ, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo sửa đổi Luật giám sát...; Nghiên cứu thông qua sửa đổi Điều lệ của Chính hiệp, thảo luận và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Chính hiệp khóa 13... đồng thời bầu ra Ban lãnh đạo mới bao gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch, Tổng thư ký và Ủy viên thường vụ, đóng góp ý kiến để tiến hành sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động.
Cũng tại kỳ họp lần này, các đại biểu sẽ tiến hành hiệp thương, đưa ra ý kiến và kiến nghị đối với những quyết sách quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc, đóng góp ý kiến đối với Quốc hội và Chính phủ Trung Quốc về những vấn đề lớn liên quan đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và đời sống xã hội của Trung Quốc.
Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc là cơ quan hiệp thương và tham vấn cao nhất của Trung Quốc, được thành lập từ năm 1949 với ba chức năng nhiệm vụ quan trọng bao gồm: Hiệp thương chính trị, giám sát dân sinh và đề xuất khuyến nghị các chính sách đối với Chính phủ.
Thành phần của Chính hiệp Trung Quốc gồm đại biểu của Đảng cộng sản Trung Quốc, các đảng phái dân chủ, nhân sĩ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc thiểu số và các tầng lớp xã hội, đại biểu đặc khu hành chính Hong Kong, Macau, đại diện đến từ Đài Loan, đại biểu Hoa kiều và các nhân sĩ được mời đặc biệt, đại diện cho các tầng lớp, có tính đại diện rộng rãi về mặt tổ chức.
Theo thông tin cho biết, có hơn 3.000 phóng viên Trung Quốc và phóng viên quốc tế đăng ký tham gia đưa tin, phản ánh về sự kiện này.
Theo VOV