Nga sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Anh nhằm trả đũa việc Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga liên quan vụ điệp viên bị đầu độc. Sự việc khiến quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp kỷ lục và đối mặt với cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Các nhà điều tra xem xét hiện trường vụ đầu độc tại thành phố Salisbury (Anh). Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, Nga sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Anh trong hành động “ăn miếng, trả miếng” sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, những người bị cho là “nhân viên tình báo không khai báo”. London đưa ra thời hạn 1 tuần để các nhà ngoại giao Nga rời khỏi xứ sở sương mù.
Căng thẳng xuất phát từ việc cựu đại tá tình báo Sergei Skripal (66 tuổi) cùng Yulia (33 tuổi), con gái của ông này được phát hiện nằm bất tỉnh trên băng ghế ở thành phố Salisbury (Anh). Cả hai được đưa vào bệnh viện và được xác định đã bị đầu độc bằng Novichok - chất cực độc có từ thời Liên Xô cũ. Theo cơ quan an ninh Anh, chất độc Novichok có thể đã được giấu trong hành lý của Yulia. Giới chức Anh xem đây là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này, đe dọa an ninh quốc gia và đòi Nga phải chịu trách nhiệm.
Vụ đầu độc làm dấy lên “khẩu chiến” giữa các chính trị gia cấp cao ở London và Mátxcơva, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Nga bác bỏ mọi liên quan, đồng thời bác bỏ yêu cầu của London về việc phải lý giải về vụ đầu độc. Mátxcơva cho rằng, Anh đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận quốc tế khi đưa ra cáo buộc Nga một cách vô căn cứ. Tại thủ đô Astana của Kazakhstan, khi được báo giới hỏi về khả năng trục xuất các nhà ngoại giao Anh ở Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ làm”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định Nga không có “chương trình phát triển chất độc Novichok”.
Anh, Mỹ, Đức và Pháp đã ra tuyên bố chung yêu cầu Nga trả lời mọi câu hỏi về vụ đầu độc. Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn Nga cung cấp cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) báo cáo đầy đủ và toàn diện về những gì được gọi là “chương trình chất độc thần kinh Novichok”. Ông Trump nói rằng, dường như Mátxcơva đứng sau vụ việc!
Giới quan sát cho rằng, động thái nói trên có thể đẩy căng thẳng lên nấc thang mới trong lúc quan hệ giữa Nga với phương Tây vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Tại London, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn lo ngại một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ xảy ra trước khi Nga cung cấp đầy đủ bằng chứng. Song, theo lãnh đạo Công đảng, vụ việc có thể chỉ do sự buông lỏng quản lý, để lọt chất độc ra ngoài chứ không liên quan chính phủ Nga.
Tuy nhiên, vụ việc không đơn thuần là căng thẳng giữa Nga và Anh, mà bắt đầu mang dáng dấp cuộc đối đầu Đông - Tây. Sự đối đầu càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Mỹ cũng vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga vì cái gọi là “can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng”. Trong số các tổ chức và cá nhân của Nga bị Mỹ áp đặt trừng phạt có Cơ quan an ninh liên bang (FSB), các tổ chức tình báo, Lực lượng đặc nhiệm (GRU). Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ sử dụng “nguyên tắc tương đương” bằng cách mở rộng “danh sách đen” gồm các công dân Mỹ. Nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới dường như đang hiện hữu!
PHÚC NGUYÊN