Nhà khoa học Stephen Hawking: Một đời truyền cảm hứng

.

Thế giới vừa tiễn biệt một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại - nhà vật lý lý thuyết người Anh Stephen Hawking, khi ông từ giã cõi đời sau 76 năm sống trọn vẹn và ý nghĩa.

Ông Barack Obama lúc làm Tổng thống Mỹ đã trao tặng huân chương tự do cho Stephen Hawking tại Washington ngày 12-8-2009. 			       Ảnh: Reuters
Ông Barack Obama lúc làm Tổng thống Mỹ đã trao tặng huân chương tự do cho Stephen Hawking tại Washington ngày 12-8-2009. Ảnh: Reuters

Từ những năm 1970, giới khoa học đã biết đến Stephen Hawking với các công trình nghiên cứu vật lý lý thuyết xuất sắc. Nhưng phải đến năm 2002, khi ông lần đầu tiên chia sẻ về căn bệnh của mình, mọi người mới có cơ hội hiểu thêm về tinh thần sống quả cảm, mãnh liệt ấy.

Căn bệnh hiểm nghèo ông mắc phải là chứng xơ cứng teo cơ (ALS), nguyên nhân do hấp thụ không tốt các loại vitamin. Ở tuổi 21, ông sốc khi biết mình mắc bệnh. “Năm thứ 3 tại Đại học Oxford, tôi thấy mình trở nên lóng ngóng kỳ lạ, tôi bị ngã nhào một vài lần mà chẳng có lý do nào rõ rệt. Nhưng chỉ đến khi tôi học Đại học Cambridge, cha tôi nhận thấy bất thường và đưa đến bác sĩ gia đình. Ông ấy chỉ định tôi khám một bác sĩ chuyên khoa và ngay sau ngày sinh nhật lần thứ 21, tôi phải nhập viện làm các xét nghiệm”, ông Hawking từng kể.

Căn bệnh tiến triển nặng thêm sau đó. Khi nghe bác sĩ tiên lượng chỉ còn sống được 2-5 năm nữa, ông sốc và rơi vào trầm cảm. Dịp sinh nhật tuổi 70, ông kể lại những gì đã trải qua: “Bệnh của tôi xấu đi rất nhanh. Tôi gần như không làm được gì cho luận án tiến sĩ vì tôi không biết mình có sống được cho đến khi hoàn thành nó không”. Lúc ấy, tình cảm của người bạn gái học đại học đã nâng đỡ tinh thần cho ông, trở thành động lực thôi thúc ông làm việc say mê, quên cả bệnh tật.

Và ông vẫn ở lại cuộc đời trong 55 năm sau đó, vẫn tiếp tục chia sẻ kiến thức mênh mông, từ các hố đen, vụ nổ Big Bang và sự khởi đầu của vũ trụ trong nhiều thập kỷ. Cùng với nhà vật lý Roger Penrose, Hawking đã hợp nhất thuyết tương đối rộng của Einstein với lý thuyết vật lý lượng tử để nêu giả thuyết vũ trụ và thời gian sẽ bắt đầu với vụ nổ Big Bang và kết thúc trong các hố đen. Cũng chính ông đã khám phá các hố đen không hoàn toàn đen mà còn tỏa ra các bức xạ (sau này được gọi là bức xạ Hawking), rốt cuộc chúng sẽ bốc hơi và biến mất.

Ông đã kết hôn và có 3 người con, đồng thời có một bộ phim về mình. Sau tất cả những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời, chia sẻ của ông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong năm 2006 không hề có chút sáo ngữ: “Còn sống là còn hy vọng”.

Bằng chính cuộc đời về những thành tựu khoa học của mình, nhà vật lý lý thuyết người Anh đã truyền một cảm hứng sống say sưa, vượt qua mọi giới hạn của bệnh tật, thể chất. Ông từng chia sẻ đầy hóm hỉnh rằng, ông “không có quá nhiều điều tích cực để nói về căn bệnh của mình”, song nó đã dạy ông không nên bi quan với bản thân. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông nói: “Lúc này, tôi thấy hạnh phúc hơn trước thời điểm phát bệnh. Tôi may mắn được làm việc trong ngành vật lý lý thuyết, một trong số vài lĩnh vực mà khuyết tật không phải là một bất lợi nặng nề”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.