Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ giúp ông khôi phục uy tín trước thềm đại hội đảng cầm quyền.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Mỹ, Nga và có thể với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, trong lúc tỷ lệ ủng hộ lao dốc do cáo buộc liên quan vụ bê bối mua bán đất công, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy hoạt động ngoại giao và mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ giúp ông khôi phục uy tín trước khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tổ chức đại hội vào tháng 9 tới.
Theo đó, Thủ tướng Abe dự kiến gặp gỡ nhà lãnh đạo Mỹ trong khoảng thời gian ngày 18-4 tại Washington để bàn thảo về hội nghị thượng đỉnh của ông Trump với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Sau đó, ông Abe sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 5. Điều đáng nói là Tokyo không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông Abe với ông Kim Jong-un.
Một nghị sĩ đảng cầm quyền xác nhận với Reuters: “Trong các thủ tướng Nhật Bản, ông Abe là người tích cực thúc đẩy chính sách ngoại giao nhất”. Nghị sĩ này cho rằng, trước thềm đại hội của LDP, ông Abe muốn “ghi điểm” với cử tri thông qua các cuộc gặp riêng rẽ cùng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.
Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe sụt giảm mạnh khi ông bị cáo buộc đã bán rẻ khu đất của nhà nước rộng 8.770m2 ở thành phố Toyonaka, tỉnh Osaka cho tổ chức giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen có mối quan hệ với vợ ông - phu nhân Akie Abe; đồng thời can dự vào việc chỉnh sửa tài liệu của Bộ Tài chính. Sự ủng hộ lao dốc phủ bóng lên khả năng ông giành chiến thắng nhiệm kỳ 3 trên cương vị Chủ tịch LDP. Chiến thắng này sẽ giúp ông trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất ở Nhật Bản. Vì vậy, ông Abe đang kỳ vọng hoạt động ngoại giao ấn tượng sẽ làm cử tri quên scandal.
Giáo sư danh dự Gerry Curtis tại Đại học Columbia (New York, Mỹ) cho rằng, ông Abe có thể sẽ tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ 3. Song, theo chuyên gia này, mọi việc vẫn phụ thuộc phần lớn vào các cuộc thăm dò dư luận và các cáo buộc mới có xuất hiện hay không.
Vấn đề đặt ra là không có gì đảm bảo các hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản - Mỹ hay Nhật Bản - Nga sẽ thành công. Một nghị sĩ LDP khẳng định sẽ có những rủi ro.
Theo Reuters, trong những tuần gần đây, Tổng thống Donald Trump 2 lần “phớt lờ” Nhật Bản: lần thứ nhất ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và lần thứ hai là ông từ chối đưa đồng minh Tokyo ra khỏi danh sách các nước bị áp thuế sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu.
Ngày 27-3, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định với Reuters rằng, hoàn toàn ủng hộ vấn đề CHDCND Triều Tiên nhưng quan ngại ông Trump có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ mà để Nhật chịu tổn hại.
Đối với Nga, Thủ tướng Abe cũng khó có sự nhượng bộ xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo trên Thái Bình Dương (Nga gọi là đảo Kuril và Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc). Đây là nguyên nhân cản trở Tokyo và Mátxcơva ký hiệp ước hòa bình kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Một cựu nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cho rằng, nếu tạo được đột phá nhỏ nào trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ thì sẽ là thành công lớn đối với ông Abe.
THIÊN BÌNH