Ý bầu cử, châu Âu lo ngại

.

Các nhà chức trách châu Âu lo ngại, với những rối rắm hiện tại, cuộc bầu cử ở Ý có thể dẫn đến bế tắc chính trị ở quốc gia này, theo đó đe dọa sự ổn định của châu lục, đặc biệt là khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone).

Đảng trung hữu Forza Italia của ông Silvio Berlusconi (giữa) được cho là sẽ chiếm ưu thế nhưng ông Berlusconi không thể trở thành thủ tướng. 			    Ảnh: AFP
Đảng trung hữu Forza Italia của ông Silvio Berlusconi (giữa) được cho là sẽ chiếm ưu thế nhưng ông Berlusconi không thể trở thành thủ tướng. Ảnh: AFP

Ngày 4-3, hơn 46 triệu cử tri Ý bỏ phiếu để bầu 630 hạ nghị sĩ và 315 thượng nghị sĩ. Các nhà quan sát cho rằng, đây là một trong những cuộc bầu cử thiếu ổn định nhất trong nhiều năm qua ở Ý nhưng lại là cuộc bầu cử quan trọng hàng đầu châu Âu trong năm nay. Theo đó, cuộc bỏ phiếu có thể quyết định nước Ý có theo chủ nghĩa dân túy, hoài nghi châu Âu hay không, nhất là sau cuộc “ly hôn” giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani kêu gọi cử tri Ý ủng hộ các đảng trung tả như đảng Dân chủ cầm quyền (PD), không nên bỏ phiếu cho các đảng dân túy chống nhập cư, hoài nghi châu Âu. Ông Tajani thúc giục “một nước Ý mạnh mẽ” để mang lại lợi ích cho châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từng cảnh báo, kịch bản tồi tệ nhất là “có thể sẽ không có một chính phủ sẵn sàng hành động tại Ý”.

Các thăm dò cho thấy, đảng trung hữu Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và các đồng minh cực hữu của ông sẽ chiếm ưu thế trong Quốc hội nhưng không giành đa số ghế để thành lập chính phủ. Đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) có thể sẽ là đảng đơn lẻ lớn nhất, với chủ trương chống tham nhũng và nghèo đói đang gia tăng. PD được dự đoán xếp thứ ba.

Theo các thăm dò, liên minh của ông Berlusconi dẫn đầu với 37% số phiếu, sau đó lần lượt là M5S với 28% và PD với 27%. “Khó có đảng hoặc liên minh nào giành được 40% số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ”, ông Lorenzo Pregliasco, đồng sáng lập tổ chức thăm dò dư luận YouTrend nhận định. Mỗi đảng đơn lẻ cần giành ít nhất 3% số phiếu bầu mới có ghế tại Quốc hội, trong khi mức này đối với liên minh các chính đảng là 10%.

Theo AFP, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các đảng dân túy tràn khắp châu Âu. Các đảng chính thống ở Ý khó kiềm chế được sự tức giận của cử tri khi tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ ở mức trung bình, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 11%. Người dân Ý cho rằng, tầng lớp trung lưu không còn tồn tại, người nghèo càng nghèo hơn, người giàu càng giàu hơn và không có công bằng xã hội. Cử tri Ý lo ngại về tương lai của nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu. Họ thậm chí từ bỏ hy vọng về sự thay đổi. Các thăm dò cũng cho thấy 1/3 số cử tri chưa quyết định chọn đảng nào hoặc không muốn tham gia bỏ phiếu.

Đáng lưu ý, chiến dịch tranh cử trước đó đánh dấu sự trở lại chính trường của cựu Thủ tướng 81 tuổi Berlusconi, người đã bị buộc phải từ chức hồi năm 2011 trong lúc cao điểm của khủng hoảng nợ công và các bê bối khác, cũng như những đồn đoán về sức khỏe của ông. Tuy nhiên, dù trở lại nhưng ông Berlusconi không thể trở thành thủ tướng vì bị kết tội trốn thuế hồi năm 2013 và bị cấm tranh cử vào các vị trí trong chính phủ cho đến năm 2019. Ông Berlusconi đã đề cử ông Antonio Tajani, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, vào chiếc ghế thủ tướng.

Kế hoạch của ông Berlusconi vấp phải thách thức từ đối tác liên minh, đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN) của ông Matteo Salvini vốn chủ trương chống nhập cư. Ông Salvini nói rằng, chính ông mới là người nên được đề cử làm thủ tướng nếu LN vượt lên trên FI và liên minh của họ chiếm đa số. Cả ông Berlusconi lẫn ông Salvini đều cam kết sẽ trục xuất 600.000 người nhập cư bất hợp pháp nếu FI và LN chia sẻ quyền lực.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu không có đảng nào chiếm đa số, các kịch bản được đặt ra, đó là hình thành đại liên minh giữa FI và PD, hoặc một chính phủ tạm quyền và thậm chí là một cuộc bầu cử mới. Ngoài ra, cũng có thể M5S giành đủ ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ đơn đảng, hoặc hình thành đại liên minh với PD nhưng điều này sẽ khó xảy ra.

Với cuộc bầu cử khó đoán định như vậy cùng với phong trào dân túy đang trỗi dậy, giới chức châu Âu không khỏi lo ngại. Bế tắc chính trị tại Ý chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến cả eurozone.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.