Điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ bê bối làm lộ thông tin của 87 triệu người dùng Facebook, Giám đốc điều hành trang mạng xã hội (MXH) này, ông Mark Zuckerberg, thừa nhận Facebook không bảo vệ được thông tin người dùng.
Tại buổi điều trần, ông Mark Zuckerberg thừa nhận sai lầm và xin lỗi người sử dụng Facebook. Ảnh: Getty Images |
Ngày 10-4 (sáng 11-4, giờ Việt Nam), trong buổi điều trần kéo dài 5 giờ có tên gọi “Sự riêng tư trên Facebook, truyền thông xã hội, việc sử dụng và lạm dụng dữ liệu”, Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg chính thức xin lỗi trước Quốc hội Mỹ vì những sai phạm dẫn đến bê bối liên quan đến Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, đồng thời nhấn mạnh rằng Facebook đang xem xét lại trách nhiệm với người dùng và xã hội. Mark Zuckerberg nói: “Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và chịu trách nhiệm về những gì xảy ra. Đây là lỗi của tôi, tôi rất xin lỗi”. CNN cho biết, đây là lần đầu tiên ông Zuckerberg điều trần trước Quốc hội, cũng là lần đầu tiên một CEO phải trả lời chất vấn của gần một nửa số thượng nghị sĩ Mỹ (44 người).
Theo AP, mọi sự chú ý tập trung vào việc làm rõ những gì đã xảy ra giữa Facebook với Cambridge Analytica, đơn vị được cho đã sở hữu thông tin cá nhân của 87 triệu tài khoản Facebook trên toàn cầu. Cambridge Analytica cũng dính dáng tới chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Kamala Harris (bang California) yêu cầu ông Zuckerberg giải thích tại sao Facbeook quyết định không công bố thông tin liên quan đến Cambridge Analytica vào năm 2015, mà phải đến lúc truyền thông “phanh phui” mới thừa nhận. Trước chất vấn này, ông chủ Facebook tỏ ra lúng túng và thừa nhận lẽ ra nên chặn Cambridge Analytica từ năm 2015, nhưng điều đó đã không xảy ra và Analytica vẫn tiếp nhận thông tin người dùng. Vì vậy, đây là lỗi của Facebook.
Trước câu hỏi của Thượng nghị sĩ Dân chủ Maria Cantwell (bang Washington) về việc liệu nhân viên Facebook có tham gia cùng Cambridge Analytica trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không, Zuckerberg nói rằng ông không biết. “Dù vậy, tôi biết rằng chúng tôi đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Trump, giống như cách chúng tôi làm đối với tất cả các chiến dịch khác”, ông Zuckerberg nói.
Ông Zuckerberg cho biết, nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã thẩm vấn một số nhân viên của Facebook liên quan đến vụ Nga bị nghi dính líu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông chủ Facebook cũng khẳng định MXH này có cách để quản lý việc “làm chính trị” trên Facebook. Theo đó, các doanh nghiệp muốn chạy quảng cáo phục vụ chính trị trên Facebook tại Mỹ sẽ phải công khai họ là ai, cung cấp địa chỉ kèm thẻ căn cước. Facebook sẽ gửi mã đặc biệt để xác minh. Như vậy, những quảng cáo chính trị sau này sẽ được Facebook xét duyệt cẩn thận.
Về việc Facebook lưu trữ bao nhiêu dữ liệu và các dữ liệu còn được lưu trữ ở nơi nào khác, ông Zuckerberg nói: “Chúng tôi lưu trữ tất cả dữ liệu mà người sử dụng chia sẻ trên nền tảng này, từng cú nhấp chuột”. Song, ông nhấn mạnh Facebook không bán dữ liệu người dùng cho nhà quảng cáo. Thay vào đó, MXH này để nhà quảng cáo biết đối tượng mà họ muốn tiếp cận, rồi đặt quảng cáo ở vị trí đó. CEO 33 tuổi nói thêm rằng, Facebook đã thông báo thông tin đến người dùng trong mục “điều khoản dịch vụ” khi họ đăng ký sử dụng MXH này. Theo nhận định của CNN Tech, ông Zuckerberg đã khéo léo tránh được câu hỏi về việc Facebook sử dụng thông tin của người dùng để kiếm lời bằng cách sửa từ “bán dữ liệu” thành “đánh đổi dữ liệu”.
Thừa nhận Facebook không thể ngăn chặn việc “bị lợi dụng” để tạo ra các mối nguy hại, ông Zuckerberg nói: “Chúng tôi không chỉ có trách nhiệm xây dựng nên các công cụ, mà còn phải đảm bảo chúng được sử dụng cho mục đích tốt. Các thay đổi sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng tôi cam đoan sẽ làm được”. Tỷ phú này chỉ ra một số giải pháp mà Facebook đang thực hiện, trong đó có việc hợp tác với chính phủ Mỹ, Anh và các nước khác để đảm bảo Cambridge Analytica đã xóa các dữ liệu tồn lại. Bên cạnh đó, Facebook cũng đang điều tra tất cả ứng dụng để ngăn việc lạm dụng dữ liệu.
Hiện nay, việc sử dụng Facebook hoàn toàn miễn phí. Nhưng theo quy định về thành lập tài khoản, người dùng Facebook phải chia sẻ thông tin cá nhân của mình với Facebook và có thể với cả các đối tác của MXH này. Theo các chuyên gia công nghệ, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, người dùng cần cẩn trọng với những ứng dụng yêu cầu đăng nhập bởi chúng thường được thiết kế để lấy dữ liệu. Bên cạnh đó, người dùng có thể cài đặt quyền riêng tư và hạn chế tối thiểu thông tin chia sẻ công khai.
Theo kế hoạch, CEO Mark Zuckerberg sẽ tiếp tục xuất hiện trong một phiên điều trần khác tại Hạ viện Mỹ.
"Chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra” Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg |
KHANG NINH