Di cư trên các đảo san hô

.

Một nghiên cứu khoa học mang chủ đề Điều tra địa chất của Mỹ với sự hợp tác giữa Viện Deltares (Hà Lan) và Đại học Hawaii (Mỹ) cho thấy rất nhiều đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ không thể có người ở vào giữa thế kỷ này bởi mức nước biển dâng cao và ô nhiễm nguồn nước ngọt. Dù các nhà nghiên cứu tập trung trên đảo san hô Kwajalein ở quần đảo Marshall, nhưng các quần đảo như Caroline, Cook, Line, Society, Hawaii hay các đảo Gilbert, Maldives, Seychelles đều có tác dụng tương tự.

Lũ lụt trên đảo san hô Tarawa ngày càng xảy ra thường xuyên.
Lũ lụt trên đảo san hô Tarawa ngày càng xảy ra thường xuyên.

Nếu như các nghiên cứu trước đây dự báo mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu thì nghiên cứu lần này kiểm tra tác động của lũ lụt. Những đảo nhỏ này có cấu trúc rất độc đáo và đẹp mắt dựa trên các rạn san hô.

Tuy nhiên, đó cũng là điểm yếu của chúng vì rất dễ bị tổn thương bởi thay đổi khí hậu. Nước biển dâng cao sẽ dẫn tới ô nhiễm nguồn nước ngọt ở hầu hết các đảo san hô nên con người sẽ khó có thể ở lại đây từ năm 2030 cho tới 2060.

Tác giả chính của báo cáo đồng thời là nhà địa chất Mỹ, Curt Storlazzi nhận định: “Nước ngầm có thể uống được trên phần lớn đảo san hô này sẽ không còn sử dụng được, muộn lắm vào giữa thế kỷ 21. Kết quả nghiên cứu lần này cho thấy nguy cơ di cư trên các đảo san hô sớm hơn dự kiến”.

Nguồn nước ngọt chủ lực cho các đảo san hô vẫn là những trận mưa và được “tích” dưới đất như một dạng nước ngầm nổi trên mặt nước mặn đậm đặc hơn. Nước biển dâng cao sẽ làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt này. Hàng trăm nghìn người ở đây sẽ phải chọn một trong hai giải pháp: di cư hoặc đầu tư tài chính vào công nghệ hiện đại để xử lý nước sinh hoạt. Nhà thủy văn Styphen Gingerich, đồng tác giả bản báo cáo giải thích thêm: “Lượng mưa cuối năm không đủ nhiều để làm mới nguồn nước ngọt ngầm trước khi các cơn bão mạnh của năm sau ập tới. Sự mất cân đối ấy càng khiến lượng nước ngọt dành cho sinh hoạt ngày càng khó khăn hơn”.

Một khi hàng trăm nghìn người trên các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phải di cư sẽ là vấn đề lớn thì Dina Ionesco, người đứng đầu về công tác di cư, môi trường và biến đổi khí hậu của Tổ chức di cư quốc tế, còn lo lắng hơn mang tính toàn cầu. “Đâu chỉ có ở các đảo san hô, hàng triệu người khác trên khắp thế giới sẽ có nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa vì nắng nóng quá mức, thiếu nước nghiêm trọng và lũ lụt dữ dội”, bà Ionesco lo lắng.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.
.