Cơn bão chính trị bùng phát tại Mỹ sau phát ngôn nhầm lẫn của ông Trump

.

Cơn bão chính trị nổi lên tại Mỹ khi các nhà lập pháp cho rằng Tổng thống Trump đã thất bại khi buộc Nga chịu trách nhiệm cho nghi án can thiệp bầu cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17-7 (theo giờ Mỹ) cố gắng xoa dịu cơn bão chính trị đang bùng lên tại Mỹ sau khi giới lập pháp nước này cho rằng ông đã không đưa ra được tuyên bố cứng rắn buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 17/7. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 17-7. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump thanh minh

Hôm 16-7, tại cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Donald Trump đã khiến giới chính trị và các nhà quan sát ngạc nhiên vì né tránh chỉ trích ông Putin liên quan đến nghi án can thiệp bầu cử, đồng thời tỏ ra hoài nghi trước những thông tin mà các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra, vốn là cơ sở để một số nghị sỹ Mỹ kêu gọi thắt chặt các lệnh trừng phạt Nga.

Phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng  hôm 17-7, một ngày sau cuộc gặp, Tổng thống Trump thừa nhận rằng những lời ông nói trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ là nói nhầm và khi trở về nước ông “nhận ra có một số điều cần phải làm rõ” về phát ngôn của mình. 

“Trong phát biểu của tôi câu đó nên là: Tôi không thấy có bất cứ lý do để nghi ngờ tại sao đó không phải là Nga. Một kiểu phủ định kép." Trước đó trong cuộc họp báo với ông Putin, Tổng thống Trump đã nói: “Tôi không thấy có bất cứ lý do gì để nghi ngờ Nga đã can thiệp”.

Tổng thống Mỹ nói thêm: "Tôi chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo rằng sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 đã diễn ra. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng là do những người khác. Có rất nhiều người ngoài kia”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định không có sự thông đồng giữa đội ngũ tranh cử của ông với Nga và mọi nỗ lực can thiệp bầu cử không gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Một cuộc thăm dò của Reuters phối hợp với Ipsos được tiến hành ngay sau buổi họp báo của ông Trump và ông Putin cho thấy, khoảng 55% cử tri Mỹ tỏ ra không đồng tình trước cách ông xử lý quan hệ với Nga, trong khi số người ủng hộ là 37%.

Phản ứng của các nghị sỹ Mỹ

Trước đó các nghị sỹ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã bị “sốc nặng”  khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đứng về phía Nga thay vì cộng đồng tình báo Mỹ trong cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Putin tại Helsinki.

Thậm chí ngay sau khi ông Trump thừa nhận đã có phát ngôn gây hiểu lầm, làn sóng chỉ trích vẫn chưa hạ nhiệt. Nghị sỹ Adam Schiff,  lãnh đạo phe Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết: “Lời bao biện của Tổng thống Donald Trump đơn giản là một nỗ lực nhằm xóa sạch mớ hỗn độn ông đã tạo ra hôm trước. Tuyên bố của ông đã đi quá xa và rất khó rút lại”.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện cho rằng các tuyên bố của Tổng thống Trump đưa ra hôm 17-7 là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, đặc biệt khi ông cho rằng “có thể có những người khác chịu trách nhiệm cho việc can thiệp bầu cử Mỹ”.

“Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tuyên bố “khủng khiếp” và cố rắng rút lại những tuyên bố đó, ông thậm chí không thể thanh minh được. Điều này cho thấy sự yếu đuối của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump rất sợ phải đối mặt trực tiếp với Tổng thống Putin”.

Ngay cả một trong những người ủng hộ trung thành nhất của Đảng Cộng hòa, ông Newt Gingrich cũng phải thốt lên rằng lời phát biểu của Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo với Tổng thống Putin là "sai lầm nghiêm trọng nhất trong thời kỳ Tổng thống của ông".

Còn Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell nhấn mạnh: “Nga không phải là một người bạn của Mỹ”, đồng thời cảnh báo về âm mưu tấn công tương tự trong cuộc bầu cử quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới. “Rất nhiều người trong chúng ta hiểu đầy đủ về những gì đã xảy ra trong năm 2016 và điều này tốt hơn không nên xảy ra thêm một lần nữa trong năm nay”, ông Mc Connell nói.

Thắt chặt trừng phạt Nga

Nhiều nghị sỹ Mỹ cho biết họ sẽ tìm các biện pháp chống lại Nga tại Quốc hội. Thượng nghị sỹ MacConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan - những người từng cho rằng chính phủ Nga là “một mối đe dọa” nêu rõ, các cơ quan do họ phụ trách có thể xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.

Trong khi đó, một số nghị sỹ khác đề xuất thông qua nghị quyết hỗ trợ các cơ quan tình báo Mỹ hoặc chi tiêu nhiều hơn để tăng cường an ninh bầu cử, ngăn ngừa các cuộc tấn công mạng.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết, các nhà lãnh đạo tại Quốc hội đang cân nhắc để tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất. “Chúng tôi đang cố gắng tìm ra cách thức phù hợp nhằm đẩy lùi các âm mưu can thiệp bầu cử”. Theo ông Corker, bước đi đầu tiên là lắng nghe ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào tuần tới.

Vào năm 2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua một gói biện pháp trừng phạt đối với Nga với cáo buộc nước này can thiệp bầu cử Mỹ. Điều này đã làm leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Trước đó, quan hệ Nga- Mỹ đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” liên quan đến sự  mở rộng hoạt động quân sự của khối NATO do Mỹ đứng đầu, sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và cuộc xung đột Syria.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.