Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đòi các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức tăng gấp đôi chi tiêu quân sự hằng năm, từ 2% lên 4% GDP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ hai, từ phải sang, hàng trước) và các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Bức ảnh này được cho là thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ NATO. Ảnh: Getty Images |
Trong khi hầu hết các thành viên NATO chưa thực hiện đúng cam kết đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của khối, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra yêu cầu gây “sốc” tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong hai ngày 11 và 12-7 ở Brussels (Bỉ): tăng tỷ lệ này lên gấp đôi, tức 4% GDP và thực hiện ngay lập tức, thay vì chờ đến năm 2024. “Tất cả các nước NATO phải đáp ứng cam kết 2% của họ, và cuối cùng là mức 4%”, ông Trump cũng viết trên Twitter trước khi bắt đầu ngày họp thứ hai.
Thành ra, khi ông Trump phát biểu xong và rời cuộc họp kín, các nhà lãnh đạo khác vẫn không hiểu họ có nghe nhầm hay không và đó có phải là lời đề nghị nghiêm túc hay không. Nhưng sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, đã xác nhận mức 4%. Dù biết ông Trump đến Brussels với mục tiêu chủ yếu là “đòi tiền” từ các đồng minh NATO để “bồi hoàn” cho Mỹ, nhưng con số 4% được đưa ra hoàn toàn bất ngờ. Thậm chí, ông Trump còn đọc to tên 5 nước không trả đủ 2% GDP như cam kết, trong đó có những nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp (1,8%), Đức (1,24%), Ý (1,13%), Tây Ban Nha (0,92%); và có đến 23 nước không hoàn thành mục tiêu này. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - chỉ đóng góp 1,24%, so với con số 3,58% của Mỹ. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, Paris sẽ đáp ứng mục tiêu 2% vào năm 2024 và sự gắn kết trong NATO chỉ có được nếu gánh nặng được chia sẻ “công bằng”.
Trang Politico cho biết, Tổng thống Trump dọa rằng, Mỹ sẽ rút khỏi NATO và đơn phương bảo đảm an ninh cho chính cường quốc này, nếu các đồng minh không đáp ứng ngay mục tiêu 4% nói trên. Một số quan chức khuyến cáo nên thận trọng để hiểu những phát biểu của ông chủ Nhà Trắng nhưng các đồng minh đã nghe rõ lời đe dọa này, đại ý là nếu các đồng minh không trả tiền, Mỹ sẽ “tự làm việc của mình” hoặc “đi một mình”. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite nói rằng, ông Trump không dọa rút khỏi NATO.
Những người tiền nhiệm của ông Trump tại Nhà Trắng cũng từng kêu gọi châu Âu phải có trách nhiệm hơn đối với vấn đề phòng thủ và giảm bớt gánh nặng cho những người nộp thuế ở Mỹ trong việc duy trì lực lượng ở “lục địa già”. Nhưng dù sao đi nữa, không ai gây áp lực lớn và thẳng thừng với NATO như ông Trump.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngay lập tức chuyển cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương - cơ quan chính trị quyền lực nhất của khối - sang phiên họp khẩn cấp của các đồng minh. Tổng thống Bulgaria Rumen Radev chỉ trích yêu cầu của người đồng cấp Mỹ, cho rằng “NATO không phải là sàn giao dịch chứng khoán…”. Trong khi đó, ông Stoltenberg khẳng định, ông muốn tập trung vào những gì đã thống nhất (mục tiêu 2%), chứ không phải là yêu cầu 4% của ông Trump.
Theo BBC, thực tế, cách đây một vài năm, Mỹ tham gia quân sự ở châu Âu nhiều hơn. Những hoài nghi về giá trị của NATO đối với Mỹ đang làm nhiều đối tác của Washington lo lắng.
NATO vốn được thành lập vào năm 1949 nhằm đối trọng với Liên bang Xô viết (cũ). Thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ chủ trương xoay trục sang châu Á. Thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ nhắc đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngay lúc tranh cử tổng thống, ông Trump đã mô tả NATO là tổ chức “lỗi thời”. Vì vậy, giờ đây, ông chẳng ngại ngần lạnh nhạt với NATO và xích lại gần Nga.
Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Trump đến Anh vào tối 12-7 và sau đó đến thủ đô Helsinki của Phần Lan để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16-7 trong một cuộc gặp mà các nhà ngoại giao NATO gọi là phép thử thật sự những cam kết của người đứng đầu Nhà Trắng đối với liên minh phương Tây. Bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nhà lãnh đạo này, như hoãn các cuộc tập trận của Mỹ ở vùng Baltic hoặc rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực, sẽ là đòn giáng nặng nề vào chính sách của phương Tây đối với Mátxcơva. Có đến 3 quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng, không một ai ở Lầu Năm Góc, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, biết ông Trump có thể nói gì ở Helsinki.
PHÚC NGUYÊN