Mỹ - Trung "khai hỏa" chiến tranh thương mại

.

Quyết định áp thuế của Mỹ với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 1 phút ngày 6-7, giờ Mỹ (11 giờ 1 phút, giờ Việt Nam), làm bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc đối mặt mức thuế 25%, tương tự mức Washington áp đặt với hàng hóa đến từ cường quốc châu Á này. 	   	          Ảnh: Getty Images
Hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc đối mặt mức thuế 25%, tương tự mức Washington áp đặt với hàng hóa đến từ cường quốc châu Á này. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nổ phát súng lớn nhất trong cuộc chiến thương mại toàn cầu bằng việc tăng 25% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc. Theo đó, mức thuế mới được áp đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, đợt đầu là 818 sản phẩm, gồm các loại ô-tô, tổng trị giá 34 tỷ USD. Hành động này được Mỹ cảnh báo từ trước và 16 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế sau 2 tuần nữa.

Hãng Reuters cho biết, vài giờ trước khi quyết định áp thuế của Mỹ có hiệu lực, Tổng thống Trump nói rằng, tổng hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế có thể lên đến 550 tỷ USD, lớn hơn cả lượng hàng hóa mà cường quốc châu Á này xuất khẩu sang Mỹ hằng năm. Ông Trump không biểu hiện bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ, bất chấp những cảnh báo rằng chính Mỹ sẽ chịu thiệt hại.

Ngay lập tức, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố phản đối quyết định của Mỹ và cho rằng Washington châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Đương nhiên Trung Quốc chẳng chịu khoanh tay đứng nhìn, mà buộc phải trả đũa, nghĩa là 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bao gồm ô-tô và các sản phẩm nông nghiệp cũng đối mặt với mức thuế 25%. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định điều này trong cuộc họp báo vào chiều 6-7 tại Bắc Kinh. “Sau khi Mỹ áp đặt thuế quan không công bằng với Trung Quốc, Trung Quốc ngay lập tức tăng thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ”, ông Lục Khảng nói.

Từ tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã dùng từ “chiến tranh thương mại” để nói về những tuyên bố đe dọa lẫn nhau giữa nước này với Mỹ. Bắc Kinh từng khẳng định việc không “khai hỏa”, nhưng sẽ có hành động “ăn miếng trả miếng” ngay khi Mỹ áp thuế. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, mức thuế quan mà Mỹ đưa ra vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thể hiện hình thức “chèn ép thương mại”… Trung Quốc sẽ sớm thông báo tình hình cụ thể lên WTO, đồng thời cùng các nước khác bảo vệ các cơ chế thương mại tự do và đa phương.

Mỹ hiện gây căng thẳng về thương mại với các đồng minh tiềm năng. Ngoài việc áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, Mỹ còn tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các sản phẩm thép, nhôm và ô-tô từ châu Âu, Canada, Mexico và Nhật Bản. Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn so với các nước khác. Song, theo Ethan Harris, người đứng đầu nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Merrill Lynch, tác động của thuế quan đầu tiên lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ khá nhỏ. Các chuyên gia kinh tế cũng tính toán rằng, tác động trực tiếp của hành động “ăn miếng trả miếng” ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm 2018 chỉ từ 0,1 - 0,3%. Còn Mỹ có thể chịu thiệt hại nhiều hơn do chính sách của chính quyền ông Trump trực tiếp ảnh hưởng đến việc đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ như Apple Inc., Walmart Inc., General Motors Co. đều đang hoạt động mạnh ở Trung Quốc và khó tránh khỏi sự trả đũa.

Ông Tai Hui, Chiến lược gia trưởng của JP Morgan Asset Management cho rằng, Tổng thống Trump sẽ còn đối đầu với các đối tác thương mại khác và điều này gây quan ngại cho triển vọng hợp tác, đầu tư, tiêu thụ trên khắp thế giới. Trong khi đó, ông William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nhận định: “Không có ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại”. Theo ông, các công ty Mỹ muốn sự đối xử công bằng hơn nhưng sẽ bị tổn hại bởi căng thẳng Mỹ - Trung. “Chúng tôi thúc giục hai chính phủ trở lại bàn đàm phán”, ông Zarit nói. Tuy nhiên, chưa có bất cứ vòng đàm phán nào giữa hai cường quốc được lên kế hoạch chính thức.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.