Nguy cơ bùng phát căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa Iran và châu Âu

.

 Vụ bắt giữ nhà ngoại giao Iran có thể làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và châu Âu.

Bộ Ngoại giao Iran hôm 4-7 triệu tập các Đại sứ của Pháp và Bỉ cùng Đại biện lâm thời của Đức tại Tehran, nhằm phản đối việc bắt giữ một nhà ngoại giao Iran tại Đức.

Vụ bắt giữ nhà ngoại giao Iran diễn ra khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang có chuyến thăm châu Âu, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani công du Châu Âu. Ảnh: Reuters
Tổng thống Iran Hassan Rouhani công du Châu Âu. Ảnh: Reuters

Thứ trưởng Ngoại giao Iran "bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của nước này về việc bắt giữ một nhà ngoại giao Iran, và nhấn mạnh rằng với quyền miễn trừ ngoại giao theo Công ước Vienna, nhà ngoại giao này cần được thả ngay lập tức và vô điều kiện".

Nhà ngoại giao Iran này nằm trong nhóm 6 người bị bắt giữ tại Bỉ, Pháp và Đức, với cáo buộc có âm mưu đánh bom nhóm người biểu tình do một nhóm đối lập Iran lưu vong tại Pháp, tổ chức.

Theo Bộ ngoại giao Iran, vụ bắt giữ này là một âm mưu nhằm gây tổn hại cho quan hệ Iran - châu Âu, gây tâm lí không thiện cảm của công luận châu Âu nhằm vào quốc gia Hồi giáo này, nhất là vào thời điểm Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang có chuyến công du châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này.

Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, nước này có đầy đủ bằng chứng cho thấy cuộc tấn công đã được lên kế hoạch bởi một tổ chức khủng bố, và đây là một kịch bản đã được sắp đặt trước để gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và các nước châu Âu. Tại cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang ở thăm Áo hôm 4-7, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết đã nhận được đảm bảo từ phía Iran về việc sẽ làm rõ vụ việc:

“Chúng tôi đã có cơ hội thảo luận vấn đề nhà ngoại giao Iran bị bắt giữ mấy ngày qua. Chúng tôi hi vọng sẽ có sự rõ ràng về vấn đề này. Tổng thống Iran cũng đã đảm bảo với chúng tôi sẽ làm rõ vụ việc”.

Pháp hiện chưa có bình luận nào, cho rằng bản chất của vụ việc chưa rõ ràng và rất nhạy cảm. Theo giới quan sát, với bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Iran đứng đằng sau âm mưu tại Pháp, sẽ gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong việc tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân.

Không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4-6 kêu gọi châu Âu đưa ra lập trường cứng rắn hơn nhằm vào Iran sau vụ bắt giữ này.

“Tổng thống Iran đang có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu để vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực này sẽ bị thất bại với việc Iran lên kế hoạch cho một vụ tấn công khủng bố trên đất Pháp. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu dừng hỗ trợ cho đất nước đang lên kế hoạch tấn công khủng bố chống lại chính đất nước của các bạn”.

Mặc dù sự cố này chưa gây ra những căng thẳng ngoại giao đáng kể, có thể tác động đến quyết định của các nước đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng những diễn biến này cũng cho thấy thách thức của các bên trong việc cố gắng cứu vãn thỏa thuận này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 6-7 có kế hoạch gặp những người đồng cấp các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga tại thủ đô Vienna của Áo.

Đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Ngoại trưởng Iran và các nước thuộc nhóm P5+1 vẫn tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. Trong cuộc gặp này, Ngoại trưởng các nước dự kiến thảo luận một “gói sáng kiến” mà Liên minh Châu Âu đưa ra nhằm thuyết phục Iran ở lại thỏa thuận.

Trong một biện pháp gây sức ép với Mỹ cũng như sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường dầu mỏ thế giới, một quan chức Iran hôm 4-7 cảnh báo, nước này có thể chặn tàu thuyền qua eo biển Hormuz tại Vùng Vịnh, nếu Mỹ cấm Iran bán dầu. Theo Iran, nếu các nước muốn Iran dừng xuất khẩu dầu, Iran cũng sẽ không cho phép bất cứ tàu thuyền nào qua eo biển này.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.