Ngày 17-7, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) ký thỏa thuận thương mại tự do, đồng thời cho rằng đây là “thông điệp rõ ràng” nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong lúc Mỹ thiết lập hàng rào thuế quan và dọa tiến đến chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ký kết thỏa thuận. Ảnh: AFP |
Theo AFP, thỏa thuận nói trên nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn; hủy bỏ thuế quan đối với mọi hàng hóa, từ ô-tô của Nhật đến pho-mai của Pháp. Thỏa thuận cũng thể hiện quan điểm chống chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người chủ trương theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Theo đó, Nhật Bản xóa bỏ thuế đối với 94% hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% sản phẩm nông, ngư nghiệp. EU xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, tiến tới xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của xứ sở hoa anh đào (đối với ô-tô: sau 8 năm, tivi: sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại này có hiệu lực).
Phát biểu sau khi ký thỏa thuận, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh: “Chúng ta gửi thông điệp rõ ràng rằng, chúng ta sát cánh cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, viêc ký kết lần này đánh dấu một tuyên bố về thương mại tự do và công bằng.
Nhật Bản và EU sẽ phải thuyết phục cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn để thỏa thuận có hiệu lực vào cuối tháng 3-2019. Nhà nghiên cứu cấp cao Junichi Sugawara tại Viện Nghiên cứu Mizuho (Nhật Bản) cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump đã thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Tokyo và EU trong một tiến trình bắt đầu từ năm 2013.
BÌNH YÊN