Báo chí Anh đã ví von chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một cơn bão quét qua miền Nam nước Anh, phá vỡ mọi quy tắc ngoại giao.
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Ellesborough, phía tây bắc London ngày 13-7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khi chiếc chuyên cơ Air Force One cất cánh khỏi sân bay Stansted ở thủ đô London tối 13/7 để đưa Tổng thống Mỹ đi thăm các sân golf của ông tại Scotland sau hai ngày đầu tiên trong chuyến công du đến Anh, nếu Thủ tướng Anh Theresa May có “lỡ” thở dài nhẹ nhõm thì có lẽ người ta cũng phải thông cảm cho bà.
Báo chí Anh đã ví von chuyến thăm của ông Trump như một cơn bão quét qua miền Nam nước Anh, phá vỡ mọi quy tắc ngoại giao, làm rung chuyển các thể chế truyền thống trong mối quan hệ được ví là “đặc biệt” giữa hai nước, và quan trọng nhất là đã làm phơi bày ảo tưởng của những người thuộc phe ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Dù đã quen với tính cách khó dự đoán và những phát ngôn gây sốc của ông Donald Trump từ hơn một năm qua trên cương vị Tổng thống Mỹ, nhưng dư luận vẫn không khỏi bất ngờ với những gì ông thể hiện trong chuyến thăm Anh – nước được xem là đồng minh thân cận nhất của Mỹ từ hàng chục năm qua.
Trong bối cảnh vị chủ nhà của ông là Thủ tướng Anh Theresa May đang lao đao với một loạt cuộc từ chức của các thành viên quan trọng trong Nội các để phản đối kế hoạch Brexit của bà, thì thay vì chìa tay ra đỡ đồng minh, Tổng thống Trump thậm chí còn bồi thêm cho bà hai cú “chí mạng”: ông công kích kế hoạch Brexit của bà là “rất đáng tiếc”, có thể “giết chết thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh”; và hơn thế còn bóng gió rằng ông Boris Johnson, cựu Ngoại trưởng Anh vừa từ chức và đang được coi là gương mặt thách thức vai trò lãnh đạo của bà May, có đủ khả năng để trở thành “một Thủ tướng tuyệt vời”.
Cũng với phong cách rất kịch tính và khó lường ấy, trong cuộc họp báo chiều 13/7 tại dinh thự riêng Chequers của Thủ tướng Anh sau cuộc hội đàm song phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quay sang hết lời ca ngợi bà May bằng những từ hoa mỹ nhất như “thông minh”, “cứng rắn”, “phi thường” và “đầy năng lực”…, đồng thời khẳng định ông không có gì để phản đối kế hoạch Brexit của bà, miễn là kế hoạch ấy không cản trở việc xây dựng một thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và Mỹ sau Brexit.
Tuy nhiên, tất cả những lời “có cánh” nhằm hàn gắn rạn nứt do các tuyên bố trước đó gây ra đều không đủ che đi được thực tế rằng ông Trump chia sẻ quan điểm của phe ủng hộ Brexit cứng trong đảng Bảo thủ đang đe dọa vai trò lãnh đạo của bà May. Những nhân vật này cho rằng việc duy trì quan hệ mật thiết với EU sau Brexit sẽ ngăn cản nước Anh ký thỏa thuận thương mại với các nước khác.
Trong khi đó, bà May lại đề xuất rằng nước Anh sẽ ở lại trong thị trường chung của EU về hàng hóa, và tuân thủ các quy định của khối này về những mặt hàng như các sản phẩm nông nghiệp. Đề xuất này cho phép Anh duy trì quan hệ thương mại hiện có với EU (cũng như dễ dàng hơn trong việc duy trì biên giới vô hình với Ireland, một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ kế hoạch Brexit nào).
Nhưng đề xuất này cũng đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho thỏa thuận thương mại với một nước như Mỹ, vốn có những tiêu chuẩn hàng hóa khác với châu Âu. Ông Trump cũng không hề sai khi ám chỉ rằng nước Anh sẽ khó có được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ nếu vẫn bị ràng buộc bởi các quy định của châu Âu.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit cứng tại Anh có lẽ cũng đã kịp nhận ra rằng việc ông Trump chia sẻ quan điểm của họ không phải là điều may mắn. Lập luận then chốt của phe Brexit cứng là sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ được tự do hợp tác với những gì có lợi nhất của cả hai bên bờ Đại Tây Dương, mà cụ thể là vừa duy trì quan hệ thương mại với EU – kể cả ở lại thị trường chung – vừa được toàn quyền xây dựng các thỏa thuận thương mại song phương mới với Mỹ.
Nhưng với những gì thể hiện trong chuyến thăm Anh, Tổng thống Mỹ đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng nước Anh phải lựa chọn, hoặc là theo các quy định của châu Âu, hoặc phải theo quy định của Mỹ. Câu trả lời của nước Anh tưởng chừng như rất dễ dàng: Gần một nửa kim ngạch thương mại của Anh là với EU, trong khi thương mại với Mỹ hiện chỉ chiếm một phần năm.
Cho dù Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh đang ở mức độ “đặc biệt cao nhất từ trước đến nay”, thì “quả lựu đạn ngoại giao” mà ông Trump “kích nổ” trong những ngày thăm Anh có thể đã đủ để những người ủng hộ Brexit cứng nhận ra rằng họ đang “bám víu” vào một mối quan hệ đặc biệt chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, ít nhất là trong vấn đề kinh tế và thương mại.
Tổng thống Mỹ đã cho thấy ông không hề tin vào cái gọi là “tinh thần Đại Tây Dương” hay bất kỳ quan hệ đồng minh nào dựa trên lợi ích hoặc những giá trị chung. Phương châm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump báo hiệu một tương lai không dễ dàng cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh hậu Brexit cũng như chính sách thương mại tự do “Nước Anh toàn cầu” mà phe Brexit cứng đang hô hào.
Thủ tướng Anh đã có một tuần vất vả khi kế hoạch Brexit mà nội các của bà thông qua tại Chequers ngày 6-7 vừa qua cuối cùng vẫn chưa làm ai hài lòng, từ ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ đến EU và bây giờ là Tổng thống Mỹ Donald Trump – vị khách quý mà bà May đã phải “hăm hở” sang Washington gửi lời mời thăm Anh trong khi việc kiểm phiếu của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 còn chưa xong hẳn.
Chưa biết đến khi nào những tác động tích cực của Brexit mới được thể hiện rõ, trong khi đó những khó khăn thì đã được phơi bày rõ ràng hơn bao giờ hết trong vòng 1 tuần qua. Brexit đang làm lung lay hai trụ cột cơ bản trong chính sách đối ngoại của nước Anh là quan hệ với Mỹ và châu Âu.
Trong khi mối “quan hệ đặc biệt” với Mỹ hóa ra không còn quá đặc biệt như trước, còn cây cầu nối với châu Âu đã bị đốt sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, người Anh không khỏi lo lắng khi nhận ra rằng viễn cảnh “xứ sở sương mù” trở nên đơn độc trong thế giới hậu Brexit không phải là điều gì đó quá xa vời.
Theo Báo tin tức