Kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May gặp thách thức với cuộc bỏ phiếu của Công đảng đối lập. Đảng này cũng để ngỏ khả năng tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit - điều mà bà May không mong muốn.
Ông Keir Starmer - người phát ngôn về Brexit của Công đảng - ký tên trên tờ rơi phản đối thỏa thuận của Thủ tướng Anh Theresa May với Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP/Getty Images |
Cuộc họp thường niên của Công đảng Anh tại thành phố Liverpool ngày 24 và 25-9 (giờ địa phương) được cho là tạo áp lực cho Thủ tướng Theresa May bởi đảng này có thể bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của bà với Liên minh châu Âu - EU (còn gọi là kế hoạch Chequers).
Trước giờ bỏ phiếu, ông Keir Starmer - người phát ngôn về Brexit của Công đảng cũng cho rằng, nhiều khả năng đảng này sẽ bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận. Động thái như vậy sẽ làm gia tăng nguy cơ Anh rời EU vào tháng 3-2019 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, đẩy toàn bộ tiến trình Brexit và cả chính phủ vào hỗn loạn. Dĩ nhiên, nếu Công đảng nói “không” với thỏa thuận, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đó. Trong tình huống ngược lại, một trong những lựa chọn sẽ là tổ chức trưng cầu dân ý lần hai. Song, cả hai kịch bản này không phải là điều mà Thủ tướng May mong muốn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Starmer nói rằng, chính phủ Bảo thủ không có kế hoạch đáng tin cậy cho vấn đề Brexit và đa số thành viên Quốc hội sẽ không ủng hộ kế hoạch Chequers, trong đó đề xuất mối quan hệ chặt chẽ giữa Anh với EU trong giao dịch thương mại.
Hãng AFP cho biết, nếu Công đảng bác bỏ thỏa thuận, bà May sẽ phải cần sự ủng hộ của tất cả thành viên đảng Bảo thủ, nhưng đây là điều không thể bởi ngay nội bộ đảng của bà cũng đang chia rẽ về vấn đề Brexit. Reuters dẫn lời một quan chức Anh cho biết, khoảng 80 nghị sĩ trong đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận.
Trong lúc đó, các nhà hoạt động thân EU muốn có một cách giải quyết khác khi người phụ trách tài chính của Công đảng, ông John McDonnell - cánh tay phải của lãnh đạo đảng Jeremy Corbyn, nói rằng bỏ phiếu trưng cầu dân ý lần hai không nên lựa chọn giữa việc ở lại hay rời EU.
Song, ông Starmer đưa ra quan điểm dường như khác với ông McDonnell rằng, cuộc trưng cầu dân ý lần hai sẽ cho phép người dân Anh bày tỏ quan điểm ở lại EU. Khi được hỏi về ý tưởng tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý đối với tư cách thành viên của Anh trong EU, ông Starmer cho biết, câu hỏi chính xác không thể được quyết định cho đến khi có kết quả đàm phán Brexit nhưng câu hỏi vẫn đủ rộng để bao hàm lựa chọn ở lại EU. “Câu hỏi được để ngỏ vì chúng tôi chưa biết tình hình như thế nào”, ông Starmer nói.
Vài ngày trước đó, Phó Chủ tịch Công đảng Tom Watson cảnh báo, chính phủ của Thủ tướng May đang bên bờ vực sụp đổ và kéo theo cuộc bầu cử sớm. Ông Watson cũng nhấn mạnh, lãnh đạo Công đảng sẽ không làm ngơ nếu các thành viên đảng này ủng hộ ý tưởng tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit. Còn Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đặt ra thách thức đối với chính phủ về các điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm việc làm, mức sống, bảo vệ môi trường và công ăn việc làm của công dân Anh. “Nếu chính phủ không thể bảo đảm được những điều này, tôi sẽ nói với bà May rằng, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là tiến hành tổng tuyển cử”, ông Corbyn khẳng định.
Bộ trưởng Brexit của Anh Dominic Raab cho rằng, việc tổ chức trưng cầu dân ý lần hai là vô nghĩa bởi sẽ khuyến khích EU đưa ra một thỏa thuận tệ hại hơn với xứ sở sương mù và hầu hết người dân Anh sẽ chỉ muốn các chính trị gia tiếp tục theo đuổi Brexit. Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Bộ Brexit Robin Walker nhấn mạnh: “Công đảng cam kết tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý, nhưng lại đang chơi một canh bạc chính trị và tìm cách phá hỏng nó”.
PHÚC NGUYÊN