Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào ngày 20-9, mở đường để ông thực hiện giấc mơ sửa đổi hiến pháp hòa bình của đất nước.
Ông Shinzo Abe tiếp tục lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảm nhiệm cương vị Thủ tướng đến năm 2021. Ảnh: AP |
Trong cuộc đua “song mã”, với việc giành được 553 phiếu, ông Shinzo Abe có thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng 3 năm, trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba giành được 254 phiếu. Theo đó, ông Abe trở thành Thủ tướng thứ hai tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản sau Thủ tướng Kastura Taro - người nắm quyền suốt 12 năm, từ năm 1901-1913.
Hãng AFP dẫn lời Giáo sư chính trị Shinichi Nishikawa tại Đại học Meiji ở Tokyo gọi đây là cuộc trưng cầu dân ý đối với Thủ tướng Abe. Sau những bê bối về đất công, tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo 63 tuổi này đã phục hồi trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Kết quả nói trên không ngoài dự đoán, bởi ông Abe được sự ủng hộ của 5 phái lớn trong LDP, bao gồm: Hosoda, Aso, Kishida, Nikai và Ishihara. Còn đối thủ Shigeru Ishiba chỉ được sự ủng hộ của phái Takeshita.
Ông Abe sẽ đến New York (Mỹ) vào cuối tuần này để tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Hãng AFP cho rằng, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật sẽ phân tích về hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 vừa diễn ra ở Bình Nhưỡng, nhưng cả hai cũng sẽ đối mặt với những bất đồng liên quan đến tranh chấp thương mại đang gia tăng khi ông Trump xem Tokyo là một trong những đối tác thương mại tạo ra sự không công bằng cho kinh tế Mỹ.
Song, theo giới phân tích, trong khi điều mà người dân Nhật Bản quan tâm hàng đầu là vấn đề kinh tế và an sinh xã hội, ông Abe lại muốn dùng cuộc bầu cử lãnh đạo LDP để thúc đẩy giấc mơ cải cách hiến pháp hòa bình của quốc gia Đông Bắc Á này, vốn do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến thứ hai. Ông Abe đã thường xuyên bày tỏ mong muốn viết lại điều 9 của hiến pháp, vốn ràng buộc Nhật Bản “không bao giờ tuyên bố chiến tranh” và không duy trì lực lượng quân đội, mà chỉ tồn tại lực lượng phòng vệ (SDF). Điều 9 ghi rõ: “Các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như các lực lượng chuẩn bị chiến tranh không bao giờ được phép duy trì”.
Nhật Bản thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp từ thập niên 1950 dưới thời cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi - ông của nhà lãnh đạo đương nhiệm Shinzo Abe. Giờ đây, Thủ tướng Abe nói rằng, đến lúc phải quy định lại cho cả SDF lẫn việc bảo vệ hòa bình và độc lập của Nhật Bản trong hiến pháp. “Tôi muốn cải cách hiến pháp”, ông Abe khẳng định trong bài phát biểu mừng chiến thắng ở Tokyo ngày 20-9. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung hiến pháp cũng sẽ là điều vô cùng nhạy cảm và chắc chắn dẫn đến những phản ứng của cả Trung Quốc lẫn hai miền Triều Tiên.
Việc thay đổi hiến pháp là một canh bạc mạo hiểm của Thủ tướng Abe. Nếu ông muốn những nội dung sửa đổi được Quốc hội thông qua thì phải đối mặt với cuộc trưng cầu dân ý. Nhà khoa học chính trị Yu Uchiyama tại Đại học Tokyo nhận định: Trong trường hợp cử tri bỏ phiếu nói “không” với hiến pháp mới, Nhật Bản sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị theo kiểu Brexit (sự kiện nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc rời Liên minh châu Âu). Thêm vào đó, các khảo sát cho thấy, xứ sở hoa anh đào đang đứng trước tình trạng dân số già hóa và nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp nên việc sửa đổi hiến pháp không phải là điều mà người dân mong muốn.
Báo chí địa phương cho hay, Thủ tướng Abe dự kiến cải tổ nội các vào ngày 1-10 tới. Ông có thể giữ lại Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso - đồng minh chính trị, cũng là người ủng hộ chính sách “Abenomics” - chiến lược nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
THIÊN BÌNH