Sau vụ Il-20, quan hệ Nga - Israel ra sao?

Việc máy bay trinh sát Il-20 của quân đội Nga bị bắn hạ ngoài khơi Syria vào tối 17-9 khiến 15 quân nhân thiệt mạng làm mối quan hệ Nga - Israel trở nên phức tạp. Vụ việc xảy ra cùng thời điểm Tổng thống Vladimir Putin gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và hai bên nhất trí thiết lập khu phi quân sự nhằm tháo ngòi nổ tại tỉnh Idlib của Syria.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, phía Israel đã sử dụng máy bay Nga làm lá chắn, khiến hệ thống phòng không S-200 Syria bắn trúng. Hãng Sputnik dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Israel đã thông báo với Moscow về chiến dịch tấn công của nước này tại Syria thông qua đường dây nóng chỉ 1 phút trước khi cuộc oanh tạc bắt đầu. Vì thế, phía Nga không có đủ thời gian để chuyển hướng máy bay Il-20 đến khu vực an toàn trước lúc xảy ra vụ việc.

Cụ thể, 4 chiếc tiêm kích F-16 của Israel bất ngờ oanh tạc các mục tiêu ở Latakia ngay trong đêm và bay qua Địa Trung Hải ở tầm thấp. Chiếc Il-20 lúc này tuần tra cùng khu vực và bị một quả tên lửa đất đối không S-200 của Syria bắn trúng trong một hành động đáp trả vụ tấn công của Israel.

Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Israel tại Nga Gary Koren. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Putin nói rằng, lực lượng không quân Israel đang tiến hành các chiến dịch vi phạm chủ quyền của Syria. Tổng thống Putin còn cho biết, việc máy bay quân sự của Nga bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không của Syria gần bờ biển nước này là vì các thỏa thuận Nga - Israel về ngăn ngừa những vụ việc nguy hiểm không được tuân thủ. Ông Putin yêu cầu phía Israel tránh tình huống tương tự trong tương lai.

Về phía Israel, Thủ tướng Netanyahu hứa cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của máy bay Israel trên lãnh thổ Syria cho công tác điều tra. Trước đó, phản ứng cáo buộc của Nga, quân đội Israel quy trách nhiệm cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tổ chức Hezbollah và Iran (?!).
Diễn biến trên cho thấy, mối quan hệ Nga - Israel sẽ không dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn nhưng ít nhiều bị sứt mẻ, nhất là trong các hoạt động quân sự của Israel nhằm vào Syria.

Một là, hành động của Israel tấn công quân sự vào Syria với cái cớ “ngăn chặn sự trung chuyển các hệ thống vũ khí nguy hiểm mang tính khiêu khích của Iran qua Syria, vốn được coi là mối đe dọa với khu vực”, đã bị Nga cho là vi phạm chủ quyền của nước này. Điều đó có nghĩa những hành động trong tương lai của Israel nhằm vào Syria sẽ mang tính rủi ro cao, khi Nga có thể hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Chẳng hạn, Nga đã có lần định cung cấp cho Syria tổ hợp tên lửa S-300, điều mà Israel vô cùng lo ngại cho an ninh của quốc gia này.

Hai là, cựu quan chức tình báo Israel cấp cao Yakov Kedmi cho rằng, Tel Aviv khó có thể tự do sử dụng không phận Syria sau vụ rơi máy bay Il-20 của Nga. Ông Kedmi nêu rõ: “Có một thỏa thuận giữa Israel và Nga rằng, những hành động của Israel trong không phận Syria sẽ không gây nguy hại đến tính mạng của binh sĩ Nga. Israel đã vi phạm cam kết này. Điều xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào thái độ của Israel. Rất có thể Israel không thể được hưởng sự tự do tương tự trên bầu trời Syria như từng có trước khi vụ việc này xảy ra”.

Ba là, hành động tấn công quân sự của Israel nhằm vào Syria với 2 mục đích: răn đe, ngăn chặn ảnh hưởng của Iran; kiềm chế chiến thắng của Syria trước lực lượng khủng bố và phe nổi dậy. Tuy nhiên, điều này không mấy kết quả khi cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt tay nhau để giải quyết “chảo lửa Idlib” bằng các cuộc đàm phán, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ của Iran đối với Syria cả về quân sự lẫn chính trị và tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Từ vụ máy bay Il-20 càng cho thấy tình hình Syria nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ, khó lường. Và Nga, một cường quốc có trách nhiệm đang nắm trong tay thế chủ động, đang nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Syria hiệu quả nhưng lại linh hoạt trong cách tiếp cận và xây dựng các mối quan hệ “thích hợp” với cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria lẫn Israel.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.