Vụ nhà báo Jamal Khashoggi mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ mất tích vào ngày 2-10 sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục đăng ký kết hôn, khiến mối quan hệ giữa Riyadh và Washington căng thẳng.
Hiện giới chức Saudi Arabia vẫn chưa giải thích rõ ràng về số phận của nhà báo Khashoggi. Nhưng trước áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây, Saudi Arabia đã cử nhóm điều tra đến Istanbul, đồng thời mời các quan chức và chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tới Lãnh sự quán ở Istanbul để khám xét tòa nhà này. Các công tố viên phát hiện các dấu vết nghi nhà báo bị sát hại. Thậm chí, CNN cho hay, Saudi Arabia đang chuẩn bị báo cáo thừa nhận nhà báo Khashoggi bị sát hại (?!).
Nếu quả thực ông Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, phương Tây sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào Riyadh. Song, phương Tây sẽ trừng phạt Vương quốc Hồi giáo này đến đâu?
Saudi Arabia là đồng minh thân cận của phương Tây, nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Saudi Arabia vừa có vị trí chiến lược địa chính trị ở khu vực Trung Đông, vừa là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Bởi vậy, phương Tây đang rơi vào thế khó xử nếu kết quả điều tra cho thấy nhà báo Khashoggi bị sát hại.
Nếu phương Tây áp đặt trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Riyadh, họ sẽ mất đi niềm tin của một đồng minh trụ cột. Đó là chưa kể lệnh trừng phạt có thể làm biến động giá dầu.
Đối với Saudi Arabia, nước này sẽ không khoanh tay chịu trừng phạt mà sẵn sàng đáp trả. Giới chức Riyadh suy tính “hơn 30 biện pháp” trong khuôn khổ kế hoạch phòng ngừa của họ.
Trong một bài bình luận, Tổng Giám đốc đài truyền hình nhà nước Al Arabiya, ông Turki Aldakhil cho rằng, chỉ cần tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với thị trường dầu mỏ thế giới cũng đủ khiến lợi ích của Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng. “Nếu giá dầu chạm mốc 80 USD khiến Tổng thống Donald Trump tức giận, thì không ai loại trừ khả năng giá dầu có thể nhảy lên 100 USD, 200 USD, thậm chí gấp đôi những con số đó”, ông Aldakhil nhận định. Saudi Arabia cũng có thể bắt đầu thanh toán giao dịch dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) thay vì đồng USD, giáng một đòn mạnh xuống vị thế của đồng USD với vai trò là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất thế giới. “Điều đó sẽ gây bất ổn cho toàn bộ kinh tế thế giới và khiến Mỹ phải đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ”, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, ông Jean-Francois Seznec phân tích.
Không những thế, Saudi Arabia có thể thực hiện một bước ngoặt chiến lược về chính trị: quay lưng với Mỹ và làm bạn với Trung Quốc, Nga, Iran. Ông Aldakhil cảnh báo, Saudi Arabia thậm chí sẽ xem xét việc cung cấp cho Nga một căn cứ quân sự tại Tabuk ở tây bắc vương quốc này - khu vực chiến lược gần Syria, Israel, Lebanon và Iraq.\
Ông Aldakhil còn phân tích, đến thời điểm các phong trào Hamas và Hezbollah biến từ kẻ thù thành bạn hữu, thì việc Saudi Arabia thân thiết với Nga sẽ dẫn đến sự gần gũi với Iran và có thể thậm chí cả sự hòa giải với Tehran.
Đây là nhưng điều mà phương Tây rất lo sợ và Israel - đồng minh số 1 của Mỹ - sẽ bất an.
Đặc biệt, chính phủ Mỹ cũng rơi vào thế khó khi đang chịu sức ép từ nghị sĩ của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đòi trừng phạt Riyadh nhưng lại không muốn mất hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 110 tỷ USD được ký kết trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump kể từ khi nhậm chức tổng thống, mà đằng sau là lợi ích của các nhà thầu vũ khí khổng lồ. Chẳng thế mà ông Trump nói: “Còn nhiều cách trừng phạt khác (hơn là trừng phạt bằng cách hủy hợp đồng)”. Thậm chí, ngày 15-10, ông còn bênh vực Saudi Arabia rằng Riyadh “không biết gì” về vụ việc. Rồi ngày 16-10, ông tuyên bố, Saudi Arabia đáng được xem là vô tội, đồng thời nhấn mạnh cần tìm hiểu điều gì đã xảy ra trước khi cáo buộc Riyadh.
Từ diễn biến đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không liên tiếp áp đặt trừng phạt nhằm vào Saudi Arabia, mà sẽ tìm nhiều cách để vừa xoa dịu dư luận trong nước, vừa không mất đi một đồng minh chủ chốt, một nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu, nhất là các hợp đồng quân sự béo bở.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Kuwait, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, ông Richard LeBaron cho rằng tuy Saudi Arabia có nhiều cách đáp trả các biện pháp trừng phạt nhưng nếu để vụ việc đi quá xa, Riyadh cũng không được lợi gì.
TUYẾT MINH