Chứng khoán thế giới có một tuần ảm đạm nhất trong 6 tháng qua khi nhiều nhà đầu tư lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt nên đã bán tống bán tháo cổ phiếu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong ảnh: Một tàu chở hàng tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ngày 12-10. Ảnh: AFP/Getty Images |
Ngày 11-10, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc thêm 2,1%, tiếp tục chuỗi sụt giảm kéo dài nhất trong giai đoạn ông Donald Trump làm tổng thống. Chỉ số Stoxx 600 giảm 1,7% xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, trong khi các thị trường mới nổi mất 2,7%, đưa tổng mức sụt giảm trong năm 2018 của các thị trường này tới mức hơn 17%.
Các xu hướng giảm diễn ra trên quy mô rộng, tác động mọi lĩnh vực, từ các cổ phiếu công nghệ đặc biệt thành công đến những cổ phiếu của các lĩnh vực vốn thường được bảo vệ như nhu yếu phẩm và dịch vụ tiêu dùng. “Hôm nay, có cảm tưởng rất nhiều tiền đã bốc hơi khỏi thị trường”, ông John Linehan, Giám đốc phụ trách đầu tư chứng khoán tại Công ty T. Rowe Price ở Baltimore (bang Maryland, Mỹ) nói.
Trong khi đó, theo báo Financial Times, trong các giao dịch đầu ngày 12-10 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cổ phiếu tại thị trường Tokyo, Thượng Hải, Hong Kong và Seoul đều giảm khoảng 4% hoặc hơn thế. Trong nhiều tháng qua, cổ phiếu tại Trung Quốc cũng giảm trong bối cảnh thị trường có nhiều lo lắng về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Khi những chao đảo tạm qua, mọi lĩnh vực trong chỉ số S&P 500 đều giảm. Tuần này, chỉ số công nghệ S&P đã sụt gần 7%, kéo mức chuẩn của thị trường chứng khoán giảm thêm 2,1%; trước đó là mức giảm 3,3% của ngày 10-10, mức giảm sâu nhất trong vòng 8 tháng qua của thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong suốt 24 giờ qua, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích FED rằng, cơ quan này đã “mất kiểm soát”, dẫn tới tình trạng giảm điểm của thị trường chứng khoán. Tính tới thời điểm này, với phần đông nhà đầu tư, theo báo New York Times, cảm giác bất an của họ trở về khoảng thời gian diễn ra khủng hoảng kinh tế vào các năm 1929 và 1987 vốn đi vào lịch sử chứng khoán Mỹ khi thị trường sụt giảm tới 6,4%. Thực tế này cũng khiến tháng 10 năm nay trở thành tháng tồi tệ nhất với thị trường chứng khoán kể từ năm 2008, lúc đó chứng khoán sụt giảm gần 17%.
Cũng theo tờ New York Times, các nhà đầu tư có quá nhiều mối lo trong thời gian qua, chẳng hạn việc FED tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, cùng với đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng cho biết, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị G20 sắp tới ở Argentina. Tuy nhiên, ông Kudlow nói thêm, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của Mỹ để chấm dứt cuộc chiến thương mại. “Tôi tin rằng đối thoại còn hơn không”, ông Kudlow bày tỏ quan điểm trên đài CNBC. “Đến nay, phản ứng của họ (Trung Quốc) vẫn chưa giải tỏa những thắc mắc của chúng tôi. Các yêu cầu của chúng tôi khá thông thường. Châu Âu chia sẻ quan điểm của chúng tôi, Nhật Bản chia sẻ quan điểm đó và Canada cũng vậy. Vậy nên, chúng tôi sẽ xem chuyện này diễn ra như thế nào”, ông Kudlow nói.
Ngày 10-10 vừa qua, Mỹ thông báo đã bắt giữ Yanjun Xu, sĩ quan tình báo cấp cao thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, sau khi đối tượng này bị dẫn độ từ Bỉ với cáo buộc làm gián điệp lấy trộm các bí mật thương mại của Washington. Bộ Tư pháp Mỹ gọi đây là một “vụ dẫn độ chưa từng có tiền lệ”. Một ngày sau đó, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ siết chặt các quy định kiểm soát hàng nhập khẩu Trung Quốc về công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích dân sự.
Dữ liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày 12-10 cho thấy, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9 tăng lên mức kỷ lục 34,13 tỷ USD, cao hơn so với con số 31,05 tỷ USD ghi nhận trong tháng 8. Điều làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc trong trao đổi thương mại với Mỹ là “mồi lửa” cho những căng thẳng thương mại gần đây giữa Washington và Bắc Kinh.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo, nếu căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, “nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn thất nặng nề”. Bà Lagarrde kêu gọi giảm căng thẳng để tiến tới xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu mạnh mẽ hơn, công bằng hơn.
TRẦN ĐẮC LUÂN