Đàm phán Brexit: Ánh sáng cuối đường hầm?

.

Các nhà ngoại giao tại Brussels (Bỉ) gọi giai đoạn đàm phán nước rút lúc này giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh là những nỗ lực trong “đường hầm” với hy vọng tránh kịch bản “ly hôn” mà không có thỏa thuận.

Áp lực dồn lên Thủ tướng Anh Theresa May trong việc phải đạt được thỏa thuận Brexit để tránh tổ chức tổng tuyển cử và trưng cầu dân ý lần hai.  Ảnh: Reuters
Áp lực dồn lên Thủ tướng Anh Theresa May trong việc phải đạt được thỏa thuận Brexit để tránh tổ chức tổng tuyển cử và trưng cầu dân ý lần hai. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho biết, các quan chức EU và Anh đang nỗ lực đàm phán cả ngày lẫn đêm để đạt được thỏa thuận Brexit trước thời hạn ngày 17-10. Nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó then chốt là việc kiểm tra hàng hóa ở khu vực biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, trước khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp để quyết định các bước tiếp theo.

Sau 40 năm cùng chia sẻ các lợi ích và thương mại và luật pháp, EU và Anh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề quan trọng. Vì vậy, nhiều khả năng Anh sẽ rời EU vào tháng 3-2019 mà không đạt được thỏa thuận nào với khối, kéo theo đó là những hệ lụy về kinh tế và pháp lý, chẳng hạn như Anh phải tiến hành tổng tuyển cử hoặc thậm chí một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.

Tuy nhiên, cả Anh lẫn EU đều không muốn kịch bản như vậy, đồng thời muốn tránh “đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland vì đường biên giới này có thể hủy hoại thỏa thuận hòa bình đã ký vào năm 1998.

Tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, nói rằng khoảng 80-85% nội dung của thỏa thuận đã được liên minh và Anh thống nhất. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney lạc quan hơn, cho rằng con số này phải là 90%.

Song, vấn đề đặt ra là sức ép đối với Thủ tướng Theresa May khi kế hoạch Brexit (còn gọi là kế hoạch Chequers) đang gây chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền. Thách thức lớn cho chính phủ của bà May là sự phản đối của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) - đảng tham gia chính phủ liên minh.

Liệu bà có thể đưa ra những đề xuất mới mang tính nhượng bộ để thu xếp vấn đề biên giới hay không, trong lúc diễn ra đàm phán liên tục giữa Anh và EU cho đến ngày 17-10, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker yêu cầu phải có “tiến triển đáng kể” trong tuần này, nhất là vấn đề biên giới. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mô tả hội nghị thượng đỉnh ngày 17 và 18-10 là “khoảnh khắc sự thật” trong đàm phán Brexit.

Đối với Thủ tướng May, bà không những phải thuyết phục được những người đồng cấp ở “lục địa già” mà còn phải chiến thắng được các đồng minh trong nước. Ngày 16-10, bà May sẽ đưa vấn đề biên giới ra bàn thảo trong cuộc họp nội các. Có những đồn đoán rằng, tại cuộc họp này, sẽ có thêm bộ trưởng từ chức nếu Thủ tướng khăng khăng bảo vệ kế hoạch Chequers.

Trong bài viết trên báo Sunday Times, ông David Davis - người đã từ chức Bộ trưởng Brexit hồi tháng 7 vừa qua cho rằng, kế hoạch của bà May “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và thúc giục các bộ trưởng “sử dụng quyền tập thể” trong tuần này.

Có rất ít hy vọng về “ánh sáng cuối đường hầm” cho kế hoạch Chequers. Theo BBC, giới chức của EU thậm chí không kỳ vọng về một thỏa thuận nào với Anh trong tuần này. Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn mong muốn có “tiến triển mang tính quyết định” làm tiền đề cho cuộc gặp đặc biệt của EU vào tháng 11 tới.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.
.