Trung Quốc đối mặt "tảng băng nợ" 6.000 tỷ USD

.

Các chính quyền địa phương của Trung Quốc có thể đang nợ tới 40.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 6.000 tỷ USD), hoặc hơn thế, khiến cường quốc châu Á này đối mặt với “tảng băng nợ”, gây quan ngại cho nền kinh tế toàn cầu.

Thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã “tuýt còi” một số dự án cơ sở hạ tầng của các địa phương.  Trong ảnh: Thành phố Thiên Tân của Trung Quốc.  Ảnh: AFP
Thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã “tuýt còi” một số dự án cơ sở hạ tầng của các địa phương. Trong ảnh: Thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trong báo cáo ngày 16-10, S&P Global - công ty về dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ cho rằng, nợ công “ngầm” của các địa phương Trung Quốc có thể đã lên tới 40.000 tỷ Nhân dân tệ hoặc hơn, tương đương khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2017.

Đây là con số đáng báo động khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang dần “hạ nhiệt” trong lúc xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tờ Business Insider dẫn lời các nhà phân tích Gloria Lu và Linda Li cho rằng, khoản nợ công nói trên bùng phát trong những năm gần đây, tạo mối lo ngại lớn về rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc. Theo 2 chuyên gia, 40.000 tỷ Nhân dân tệ là một “tảng băng chìm”, chẳng khác gì “rủi ro Titanic”. “Đây là tảng băng nợ với rủi ro tín dụng Titanic”, các nhà phân tích nói.

Ông Liu Li-Gang, chuyên gia trưởng về kinh tế của Citigroup tại Hong Kong cho rằng, thị trường đã đúng khi cảm thấy lo ngại hơn về tính ổn định trong các khoản nợ của Trung Quốc và rủi ro tài chính tăng lên. “Tôi cũng cảm thấy áp lực mới trên đồng Nhân dân tệ”, ông Liu Li-Gang nói.

Các chuyên gia nhận định, để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế ở các khu vực, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã thực hiện những khoản đầu tư quy mô lớn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng các công cụ tài chính như “công cụ tài chính của chính quyền địa phương” (local government financial vehicle - LGFV).

Các chuyên gia của S&P tin rằng, phần lớn các khoản nợ “ngầm” có thể xuất phát từ những công cụ tài chính này. LGFV khiến mức nợ thực tế của các địa phương có thể cao gấp vài lần so với con số thực tế được công bố.

Nợ công gia tăng của Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế được cho là nguy cơ lớn đối với tăng trưởng toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực hạn chế việc các địa phương vay nợ mà không báo cáo; đồng thời cam kết giữ nợ ở mức kiểm soát và thực hiện chiến dịch giảm rủi ro tài chính trong nhiều năm qua, ngay cả khi đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế.

Tháng 12-2017, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, cắt giảm nợ là một trong những chiến dịch quan trọng của nước ông trong 3 năm tới. Thời gian qua, Bắc Kinh “tuýt còi” một số dự án đường bộ và đường sắt của chính quyền địa phương.

Bắc Kinh cũng đã thành lập Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính. Đây là cơ quan quản lý có chức năng tạo ra, đồng thời thực thi các quy định ngân hàng nghiêm ngặt hơn và phối hợp cải cách tài chính.

Báo cáo của S&P kết luận, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nợ “ngầm” cao kỷ lục có thể khiến chính quyền địa phương ở cấp thấp, chẳng hạn như cấp quận hay thành phố, tuyên bố vỡ nợ.

Theo Business Insider, một số nhà phân tích ước tính cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo có thể bắt nguồn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bởi tình trạng nợ của Trung Quốc có nhiều điểm giống với tình hình ở Mỹ, vốn đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2008.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng khi các doanh nghiệp của quốc gia này hứng chịu những tác động từ chính sách thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh vào Mỹ. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,9%, dự báo con số này sẽ thấp hơn trong năm nay. Tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong quý II-2018, giảm so với mức 6,8% trong quý đầu tiên và chỉ còn 6,6% trong quý III.

Tháng 3-2018, Trung Quốc đặt ra mục tiêu duy trì tăng trưởng 6,5% trong năm 2018. Theo đó, giảm mục tiêu thâm hụt ngân sách còn 2,6% GDP so với mức 3% của năm 2017.

THIÊN BÌNH 

;
.
.
.
.
.
.