Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ: Chính trường chia đôi

.

Bản đồ chính trị của nước Mỹ được chia đôi cho hai sắc đỏ và xanh. Theo đó, đảng Cộng hòa duy trì đa số tại Thượng viện và đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện.

Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, vui mừng trước chiến thắng. Bà Pelosi có thể trở lại làm Chủ tịch Hạ viện, vị trí mà bà nắm giữ giai đoạn 2007-2011.						                   Ảnh: Reuters
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, vui mừng trước chiến thắng. Bà Pelosi có thể trở lại làm Chủ tịch Hạ viện, vị trí mà bà nắm giữ giai đoạn 2007-2011. Ảnh: Reuters

Cuộc trưng cầu dân ý đối với chính phủ của Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa, nhất là với chính sách “nước Mỹ trên hết” được thực hiện 2 năm qua, đã có đáp án với bản đồ chính trị được chia đôi. Tính đến 19 giờ ngày 7-11 (giờ Việt Nam), kết quả cho thấy, đảng Cộng hòa giành được 51/100 ghế Thượng viện; đảng Dân chủ giành được 222/435 ghế tại Hạ viện.

Không có “làn sóng lớn” như phe màu xanh kỳ vọng. Trong cuộc đua ở Thượng viện, đảng Dân chủ mang biểu tượng màu xanh thất bại ở các bang chủ chốt như Missouri, Indiana và North Dakota. Việc đảng Cộng hòa mang biểu tượng màu đỏ nắm giữ Thượng viện rất quan trọng bởi quyền bổ nhiệm, quyền hành pháp vẫn thuộc về Tổng thống Donald Trump.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đánh giá cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ thành công rực rỡ. “Một tối thành công rực rỡ. Cám ơn tất cả các bạn!”, ông Trump viết. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump không những giành chiến thắng mà đảng Cộng hòa còn nắm giữ cả hai viện Quốc hội. Tuy nhiên, giờ đây, cán cân quyền lực thay đổi, nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

Bà Nancy Pelosi vốn là lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Hạ viện có thể trở lại làm Chủ tịch cơ quan lập pháp này, vị trí mà bà từng nắm giữ từ năm 2007-2011. Bà Pelosi chia vui với những người ủng hộ tại Washington và nói rằng đảng Dân chủ sẽ làm việc với Tổng thống Trump. “Ngày mai sẽ là một ngày mới ở Mỹ”, nữ chính trị gia này nhấn mạnh.

Theo CNN, 2 năm sau khi ứng viên tổng thống Hillary Clinton bị đánh bại, những người Dân chủ mới có thể thực hiện được giấc mơ trở lại. “Chúng tôi bắt đầu với một đảng Dân chủ mới, trẻ hơn, có nhiều phụ nữ, nhiều cựu chiến binh tham gia hơn để có thể chiến thắng ở Michigan, Pennsylvania, Ohio”, nhà bình luận chính trị của CNN Van Jones nói.

Thực tế ở Mỹ, tổng thống đương nhiệm thường để mất Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Sự việc lần này tương tự ông Barack Obama để mất Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu năm 2010.

Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, sự phân hóa trong xã hội Mỹ diễn ra nghiêm trọng. Xu hướng phân hóa này hiện có phần gay gắt hơn, không chỉ thể hiện giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, mà ngay trong nội bộ những chính đảng này cũng có sự bất đồng, chống đối lẫn nhau.

Hãng AFP cho rằng, nước Mỹ đối mặt với tình trạng Quốc hội bị chia rẽ rõ ràng suốt 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Việc đảng Dân chủ lần đầu tiên kiểm soát Hạ viện trong 8 năm qua là một đòn giáng đối với Tổng thống Trump bởi các chương trình của ông sẽ khó được thông qua, thậm chí sẽ có những gián đoạn hoặc phải điều chỉnh. Đảng Dân chủ có thể tiến hành điều tra chính phủ của Tổng thống Trump và các vấn đề kinh tế, từ việc hoàn thuế đến những xung đột về lợi ích; điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Đảng này cũng có thể ngăn chặn những kế hoạch của ông Trump, đáng chú ý là cam kết trong việc xây bức tường biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Những người Dân chủ còn phát thông điệp rằng, họ muốn dẹp tham nhũng, trong đó có thể ngăn chặn việc vận động hành lang và mở rộng quyền bỏ phiếu…

Hãng AFP cũng cho rằng, đảng Dân chủ tại Hạ viện dự kiến sẽ gây khó cho chính sách của ông Trump đối với Saudi Arabia, Nga và Triều Tiên, trong khi vẫn duy trì tình trạng hiện tại với Trung Quốc và Iran. Thách thức với ông Trump sẽ chồng chất.

Đáng lưu ý, sự trở lại của phe Dân chủ mở đường cho đảng này chạy đua giành chiếc ghế tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào năm 2020. Song, dư luận Mỹ cho rằng, thông điệp của phe Dân chủ vẫn không rõ ràng như chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Trump và những người Cộng hòa.

Một thăm dò do CNN công bố cho thấy, khoảng 40% số cử tri muốn luận tội Tổng thống Trump. Đây sẽ là vấn đề then chốt khi đảng Dân chủ nắm giữ Hạ viện và tất cả quyền điều tra cũng như những thủ tục đi kèm sẽ hướng đến điều này.
Tất nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm luận tội ông Trump cũng không dễ dàng bởi vấp phải phản ứng ở Thượng viện và kịch bản phế truất Tổng thống là điều không thể. 

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.
.
.