Việc Ukraine áp đặt tình trạng thiết quân luật trong 30 ngày tại các khu vực giáp biên giới Nga khiến Moscow không hài lòng. Nhiều quan ngại đặt ra: căng thẳng giữa Nga và Ukraine chỉ dừng ở mức độ “khẩu chiến” hay leo thang thành xung đột?
Các tàu hải quân Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải của Nga. Ảnh: Sputnik |
Nga cho rằng, việc nổ súng và bắt giữ 3 tàu hải quân cùng 24 thủy thủ của Ukraine vào ngày 25-11 đơn thuần là phản ứng của Moscow trước hành động xâm phạm lãnh hải gần eo biển Kerch. Song, theo mô tả của hãng AFP, Nga và Ukraine đối mặt với “khủng hoảng nguy hiểm nhất” trong những năm gần đây.
Vụ việc lần này là cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa lực lượng hai nước kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014 và Kiev cáo buộc Moscow hậu thuẫn quân nổi dậy ở đông Ukraine. 3 tàu hải quân cùng 24 thủy thủ đang bị giữ tại thành phố Kerch thuộc Crimea. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko yêu cầu phóng thích các tàu và thủy thủ ngay lập tức.
Những gì xảy ra như giọt nước tràn ly khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở ngoài khơi bán đảo Crimea vốn gia tăng từ nhiều tháng qua, chẳng hạn vụ hải quân Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga vào cuối tháng 3, hay bắt tàu chở dầu Mechanic Pogodin hồi tháng 8; Moscow giữ nhiều tàu thương mại của Ukraine qua eo biển Kerch… Hãng AFP đặt ra quan ngại khả năng xung đột leo thang, đòi hỏi những lời kêu gọi của quốc tế về việc các bên kiềm chế và hòa giải.
Thiết quân luật được Ukraine áp đặt có hiệu lực từ ngày 28-11, áp dụng tại các khu vực giáp biên giới Nga, Moldova, dọc Biển Đen và biển Azov. Theo đó, thiết quân luật cho phép Ukraine phản ứng nhanh chóng và huy động mọi nguồn lực trong thời gian nhanh nhất có thể khi xảy ra xung đột. Tổng thống Poroshenko nói rằng, áp đặt thiết quân luật không có nghĩa là tuyên bố chiến tranh, mà chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước nguy cơ bị tấn công.
Theo luật pháp Ukraine, trong thời gian áp đặt thiết quân luật sẽ không thể diễn ra bầu cử và cũng hạn chế nhiều quyền tự do dân sự. Vì vậy, lệnh thiết quân luật 30 ngày vừa được Quốc hội Ukraine thông qua sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống tại nước này, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019, và chừng nào thiết quân luật chưa được gỡ bỏ thì Kiev không thể tiến hành bỏ phiếu.
Ngày 27-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại khi Ukraine áp đặt thiết quân luật và cảnh báo Kiev “hành động liều lĩnh”. Ông chủ Điện Kremlin cho rằng, các tàu hải quân Ukraine cố ý phớt lờ quy tắc hòa bình và đi vào vùng biển của Liên bang Nga. “Lãnh đạo Ukraine phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tạo ra tình huống xung đột khác và tình huống cho những rủi ro liên quan. Tất cả được toan tính cùng với chiến dịch bầu cử Ukraine”, Tổng thống Putin nói. Dự kiến trong vài ngày tới, ông Putin sẽ đưa ra quan điểm chính thức về vụ việc.
Hãng AFP cũng dẫn lời các nhà quan sát nhận định, các động thái của Kiev - trong đó có lệnh thiết quân luật - mang nhiều mục đích chính trị, nhất là nhằm giúp Tổng thống Poroshenko có thêm sự ủng hộ trước thềm bầu cử, đồng thời nhằm thuyết phục các chính phủ phương Tây gia tăng trừng phạt Nga. Ông Poroshenko được cho là đang muốn hoãn hoặc hủy cuộc bầu cử trong lúc tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo này rất thấp.
Theo hiệp ước song phương năm 2003, eo biển Kerch và biển Azov do cả Nga lẫn Ukraine kiểm soát. Tuyến vận tải biển đi qua eo biển Kerch có vai trò quan trọng đối với kinh tế Ukraine, vốn có 2 cảng chính trên biển Azov. Các nhà chức trách Ukraine trước đó tức giận khi Nga xây cầu băng qua eo biển Kerch nhằm gia tăng quyền kiểm soát bán đảo Crimea. Tàu, thuyền phải báo với Nga về tuyến đường, điểm đến mới được phép đi qua eo biển.
THIÊN BÌNH