Phát biểu tại phiên thảo luận chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh, chính sách cấm vận của Mỹ chống lại Cuba là bước thụt lùi, đồng thời làm mối quan hệ giữa Washington và Havana gia tăng căng thẳng.
Với 189 phiếu ủng hộ, 2 phiếu trắng và 2 phiếu chống, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Ảnh: UN News |
Với 189 phiếu ủng hộ, 2 phiếu trắng và 2 phiếu chống (của Mỹ và Israel), Đại hội đồng LHQ ngày 1-11, giờ New York (ngày 2-11, giờ Việt Nam) thông qua dự thảo nghị quyết về “Sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với Cuba”. Đây là lần thứ 27 liên tiếp Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ đã áp đặt với Cuba kể từ năm 1962. Tuy nhiên, nghị quyết này không có tính ràng buộc, bởi chỉ Quốc hội Mỹ mới có quyền quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận đã áp đặt lên Cuba trong hơn 50 năm qua.
Cấm vận chỉ làm vấn đề phức tạp hơn
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng, những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Cuba vài năm trước đây đang dần mất đi khi các biện pháp cấm vận và trừng phạt được chính quyền Tổng thống Donald Trump tái củng cố và gia tăng kể từ tháng 4-2017.
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định, chính sách này của Mỹ là bước thụt lùi, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Havana.
Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, chỉ thông qua giải pháp đối thoại và can dự tích cực mới có thể thúc đẩy niềm tin và tạo chuyển biến tích cực; còn cấm vận và các hình thức áp đặt khác chỉ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ: Quan điểm nhất quán của Việt Nam là chống sự áp đặt các biện pháp cấm vận và gây sức ép đơn phương của bất kỳ quốc gia nào.
Ông khẳng định Việt Nam sẽ bỏ phiếu thuận đối với dự thảo nghị quyết của Cuba lên án cấm vận của Mỹ và mong muốn cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi Washington dỡ bỏ ngay chính sách cấm vận, tạo điều kiện để Cuba có thể khai thác tối đa tiềm năng phát triển, hội nhập kinh tế và thương mại thế giới một cách công bằng, bình đẳng, xây dựng đất nước một cách tự do, đáp ứng nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế.
Ông Đặng Đình Quý cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với Cuba; đồng thời cam kết bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được đề cao trong Hiến chương LHQ.
Thế giới lên tiếng
Thay mặt nhóm các nước thuộc Phong trào Không liên kết (NAM), Venezuela phản đối mạnh mẽ việc đơn phương sử dụng các biện pháp cấm vận về kinh tế để gây áp lực với quốc gia khác, nhất là đối với các nước đang phát triển. Venezuela cho rằng, lệnh cấm vận của Mỹ là nhân tố cản trở sự phát triển hòa bình ở khu vực nói chung và Cuba nói riêng. Caracas kêu gọi các nước phản đối mạnh mẽ các đề nghị bổ sung của Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ nói rằng, các bên cần theo đuổi việc tham vấn, hợp tác lẫn nhau để cùng đối phó với những thách thức, tìm kiếm cơ hội và con đường mới cho phát triển, sử dụng lợi thế cạnh tranh để giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn theo nguyên tắc “cùng thắng” (win-win). Trung Quốc phản đối mọi sự cấm vận, trừng phạt của nước này nhằm vào nước khác thông qua quân sự, kinh tế, ngoại giao hay bất kỳ công cụ nào khác và kêu gọi Washington dỡ bỏ chính sách cấm vận đối với Cuba ngay lập tức.
Bangladesh, thay mặt Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), cho rằng chính sách cấm vận của Mỹ cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Cuba, gây tổn hại cho lợi ích của nhân dân hai nước và quan hệ giữa các bên.
Singapore nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế như tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Đại diện quốc đảo sư tử khẳng định sự ủng hộ của ASEAN suốt 17 năm qua đối với nghị quyết chống cấm vận Cuba; nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các cơ chế của chủ nghĩa đa phương trước các hành động chèn ép đơn phương của các nước lớn.
Đến từ châu Âu, Áo đánh giá lệnh cấm vận của Mỹ đang gây thiệt hại lớn đối với cả Cuba lẫn Liên minh châu Âu (EU) và kêu gọi Washington mở cửa đối thoại, hợp tác với Cuba...
Mỹ đệ trình Liên Hợp Quốc (LHQ) đề xuất gồm 8 điều khoản bổ sung vào dự thảo nghị quyết của Cuba lên án cấm vận của Mỹ. Các đề xuất điều chỉnh này liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và vấn đề nhân quyền tại Cuba. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh, chính phủ Mỹ không đủ thẩm quyền đạo đức để chỉ trích Cuba và các nước khác về nhân quyền. Ông cáo buộc lệnh cấm vận của Mỹ vi phạm các mục đích, quy tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Bruno cho rằng, lệnh cấm vận của Mỹ là hành động gây hấn và chiến tranh kinh tế, làm gián đoạn hòa bình và trật tự quốc tế. |
VĨNH AN tổng hợp