Theo phân tích của Reuters, nền công nghiệp hạt nhân vừa hồi sinh của Nhật Bản sẽ không đạt được mục tiêu cung cấp ít nhất 1/5 tổng sản lượng điện của nước này trước năm 2030 mà chính phủ đặt ra.
Nhật Bản hiện có 8 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, trong tháng 11 này có thêm 1 lò nữa. Trong 5 năm tới, dự kiến khoảng 6 lò phản ứng được tái khởi động và tính đến trước năm 2030 có gần 20 lò hoạt động. Trong khi đó, cần đến 30 lò phản ứng mới có thể đạt được mục tiêu của chính phủ.
Dựa vào những phân tích nói trên, năm 2030, năng lượng hạt nhân của Nhật Bản có thể đóng góp khoảng 15% vào tổng sản lượng điện cả nước, so với mục tiêu đặt ra là 20-22%.
Song, hạt nhân vẫn không phải là lựa chọn tiềm năng cho vấn đề năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tokyo cũng sẽ khởi động lại một phần trong số 54 lò hạt nhân từng hoạt động trước thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Cơ quan Kiểm soát hạt nhân Nhật Bản đã xây dựng các tiêu chuẩn an toàn mới, yêu cầu tất cả lò phản ứng hạt nhân phải xin giấy phép trước khi tái khởi động.
Phân tích của Reuters cũng cho rằng, Nhật Bản chủ yếu sẽ dựa vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là khí tự nhiên hóa lỏng và than đá.
KHANG NINH