EU có nỗi lo không nhỏ

.

Chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra sự hoài nghi không nhỏ cho Liên minh Châu Âu (EU), đồng minh chiến lược được tạo dựng hơn 70 năm qua kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, trong đó có 2 vấn đề đáng chú ý:

Một là, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015 nhưng không đả động gì đến quan điểm cũng như quyền lợi của EU.

Hai là, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga mà không hề trao đổi cũng như chú ý tới chính sách an ninh của EU. Quyết định bất ngờ của Mỹ khiến các nhà lãnh đạo EU đặt ra nhiều câu hỏi về ông bạn đồng minh chiến lược ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Phát biểu trên Đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người hối thúc thành lập lực lượng quân sự chung của EU cho rằng, liên minh này cần giảm phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ. Theo nhà lãnh đạo Điện Élysée, quyết định của Tổng thống Trump làm chao đảo châu Âu và “nạn nhân” chính của quyết định này sẽ là châu Âu và an ninh của châu lục này.

Từ hai vấn đề nói trên cùng những tác nhân khác liên quan đến quan hệ kinh tế với Mỹ khi Washington áp thuế nhôm, thép lên 10% và 25% cũng như dọa áp thuế ô-tô nhập khẩu, các nhà lãnh đạo EU cho rằng, “đã đến lúc EU cần bước vào tuổi trưởng thành và bảo đảm được khả năng tự vệ” chứ không thể “nằm dưới cái ô che” bấy lâu nay.

Chẳng thế mà mới đây, các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU đã đề cập việc thành lập quân đội riêng của khối này nhằm đối phó với những thách thức đang đặt ra và mạnh mẽ lên án chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tiêu biểu là Mỹ - dường như nhằm vào chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Tổng thống Pháp Macron đã chia sẻ thẳng thắn rằng, ông không muốn các nước châu Âu tăng cường ngân sách quốc phòng để mua các loại vũ khí hay nguyên vật liệu từ Mỹ. Ông chủ Điện Elysée nhấn mạnh: EU cần phải tự đảm nhận việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quốc phòng của khối, nếu phải tăng cường ngân sách thì điều đó là để xây dựng quyền tự trị.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ quan điểm của Tổng thống Macron và cho rằng, “thời đại các nước có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của nước khác mà không đặt ra vấn đề gì” đã kết thúc. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cũng nêu rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta chứng kiến một chính phủ Mỹ không hứng thú với một châu Âu vững mạnh và đoàn kết”.

Diễn biến trên cho thấy, quan hệ với bất kỳ quốc gia nào mà không đem lại lợi ích cho Mỹ thì chính phủ của Tổng thống Trump đều xem xét điều chỉnh, thậm chí “hủy bỏ” ngay tức khắc. Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Trump đã công kích Pháp và Tổng thống Macron. “Không có quốc gia nào theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn Pháp”, Tổng thống Trump viết, đồng thời kêu gọi “Đưa nước Pháp vĩ đại trở lại”.

Tờ Le Figaro (Pháp) số ra mới đây có bài phân tích đáng chú ý về quan hệ giữa EU và Mỹ nhấn mạnh đến sự gắn bó về chiến lược và thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhưng cũng lưu ý một số lý do khiến các nước châu Âu phải hết sức cảnh giác trước việc Washington đơn phương đưa ra các quyết định hệ trọng, ảnh hưởng đến nền tảng an ninh của EU mà không tham khảo ý kiến của các đồng minh. Điều đó cho thấy EU đang thực sự lo ngại trước thái độ của Mỹ - đồng minh chiến lược lâu nay.

TUYẾT MINH 

;
.
.
.
.
.
.