Hàng loạt quan chức Anh từ chức, đe dọa thỏa thuận Brexit

.

Hàng loạt quan chức cấp cao của Anh từ chức ngày 15-11 do bất đồng quan điểm với dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được giữa Anh và EU.

Ngày 15-11, Thủ tướng Anh Theresa May nhận đòn giáng mạnh khi Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti cùng với 3 Bộ trưởng và 1 Thứ trưởng trong nội các từ chức. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Anh và Liên minh châu Âu công bố dự thảo thỏa thuận Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit.

Hàng loạt quan chức Anh từ chức, đe dọa thỏa thuận Brexit. Ảnh: Reuters
Hàng loạt quan chức Anh từ chức, đe dọa thỏa thuận Brexit. Ảnh: Reuters

Theo Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti, ông rời nhiệm sở là do bất đồng quan điểm với dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được, cũng như thất vọng vì Chính phủ của Thủ tướng Theresa May "thiếu năng lực lãnh đạo" trong vấn đề người di cư.

Trước đó, cùng ngày,  Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Bắc Ireland, ông Shailesh Vara, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Brexit Suella Braverman và Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí của Anh Esther McVey đã đệ đơn từ chức. Trong đơn từ chức, những quan chức này cho biết, họ bất bình trước dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Bộ trưởng Brexit Anh Dominic Raab cho rằng, các điều khoản thỏa thuận liên quan đến vấn đề biên giới Bắc Ireland tạo ra mối đe dọa thực sự đối với toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Ông Raab nêu rõ quan điểm cá nhân của ông, đó là phản đối một thỏa thuận quy định tự do đi lại tại khu vực biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland.

“Tôi cảm thấy thỏa thuận được đề xuất với  Liên minh châu Âu có hai sai lầm tai hại. Thứ nhất là các điều kiện có dụng ý do Liên minh châu Âu đề xuất mà tôi cảm thấy rằng sẽ đe dọa tới tính toàn vẹn của Vương quốc Anh. Thứ hai liên quan đến chốt chặn cuối ở vùng biên giới, những gì làm còn mập mờ, vô hạn định, và khiến chúng ta bị gắn vĩnh viễn vào một cơ chế mà tôi tin rằng nếu không phá hủy nền kinh tế thì cũng sẽ làm suy yếu niềm tin của công chúng vào nền dân chủ của chúng ta.''

Giải pháp "chốt chặn cuối" (backstop) cho Bắc Ireland vấp phải chỉ trích lớn nhất từ những người ủng hộ Brexit. Sau Brexit, biên giới mới được hình thành giữa Bắc Ireland và Ireland sẽ là biên giới trên đất liền duy nhất của Vương quốc Anh với các quốc gia EU.

Theo dự thảo của bà Theresa May, Anh và EU sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một hiệp định thương mại mới 6 tháng trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. EU và Anh cũng có thể gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không nói cụ thể là trong bao lâu.

Trong trường hợp đàm phán không thành công, Ireland và Bắc Ireland sẽ áp dụng giải pháp "chốt chặn cuối" nhằm ngăn hình thành biên giới cứng và đe dọa thành quả tiến trình hòa bình Belfast 1998.

Theo đó, Anh và EU sẽ hình thành "một vùng lãnh thổ đơn nhất về thuế quan", có hiệu lực từ cuối giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi các bên đạt được một hiệp định thương mại. Khi một bên muốn chấm dứt "chốt chặn cuối", họ phải thông báo với bên còn lại và trình bày rõ nguyên nhân. Các bên cùng thành lập một ủy ban đặc biệt, đàm phán trong 6 tháng. Bắc Ireland chỉ được rời khỏi liên minh thuế quan nếu cả Anh lẫn EU đều chấp nhận. Chính việc nước Anh không có quyền tự quyết về Bắc Ireland đã khiến những thành viên của nhóm Brexit phẫn nộ.

Hiện có 40 khoảng nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận trên. Để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng Theresa May cần được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dự thảo thỏa thuận Brexit của bà Theresa May đứng trước nguy cơ đối diện với các ý kiến chỉ trích tại Hạ viện. Ngay từ trước khi bản kế hoạch được công bố, các nghị sĩ đảng Bảo thủ hoài nghi châu Âu và đảng Liên minh dân chủ (DUP) cùng một số nghị sĩ ủng hộ việc ở lại EU đã lên tiếng phản đối kế hoạch này.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.