Các biện pháp trừng phạt bổ sung cứng rắn của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran có hiệu lực từ hôm nay (5-11) với mục tiêu đưa xuất khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này về con số 0.
Với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, sản lượng dầu thô xuất khẩu của Iran có thể giảm một nửa. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất dầu ở đảo Kharg của Iran. Ảnh: Getty Images |
Việc khôi phục lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là một phần trong các biện pháp của Mỹ nhằm buộc Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động mà Washington cho là “tài trợ cho khủng bố”. Theo đó, lệnh trừng phạt được áp đặt đối với các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng từ ngày 5-11; đồng thời, 700 cá nhân và thực thể cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Song, Mỹ chấp thuận cho 8 nước, trong đó có các đồng minh và đối tác của Washington như Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, tiếp tục mua dầu thô của Iran.
Gói trừng phạt thứ nhất nhằm vào những lĩnh vực chế tạo ô-tô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác, đã được Mỹ áp đặt trở lại đối với Iran từ ngày 7-8 sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Đợt trừng phạt bổ sung từ tháng 11 chủ yếu nhằm đưa xuất khẩu dầu của Iran - nguồn thu chủ yếu của quốc gia này về con số 0.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng buộc Iran thực hiện 12 yêu cầu nếu muốn được dỡ bỏ trừng phạt, trong đó có việc chấm dứt “tài trợ cho khủng bố” và can thiệp quân sự ở Syria, đồng thời ngừng hoàn toàn chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Báo New York Times đặt vấn đề: Chuyện gì sẽ xảy ra với các biện pháp trừng phạt mới? Chính sách cứng rắn của Mỹ sẽ dẫn đến mâu thuẫn hay hợp tác lớn hơn khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn muốn tiếp tục dòng chảy thương mại với Iran?
Cũng theo báo New York Times, EU, Trung Quốc và Nga đều thống nhất tiếp tục theo đuổi JCPOA mà không cần sự có mặt của Mỹ. EU, Pháp, Đức, Anh ra tuyên bố chung chỉ trích động thái của Washington, đồng thời cam kết bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với Iran. Không những thế, EU đã lập cơ chế thanh toán mang tên “Phương tiện Mục tiêu đặc biệt” (SPV) cho phép các công ty châu Âu giao dịch với Iran theo pháp luật của châu lục này để lách lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy vậy, SPV cũng có những hạn chế nhất định chứ không thể bảo vệ hoàn toàn các công ty châu Âu.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, Mỹ sẽ không thành công với “âm mưu mới chống lại Iran”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ chắc chắn tác động mạnh đến nền kinh tế của nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mặc dù kinh tế của quốc gia Trung Đông này không dựa vào hệ thống tài chính Mỹ. Theo hãng AFP, xuất khẩu dầu mỏ của Iran với khoảng 2,5 triệu thùng/ngày dự kiến giảm một nửa. Nguồn cung dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó có nguy cơ đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu thô thế giới và đẩy giá dầu tăng.
Iran khẳng định không hề nao núng và cho rằng đòn trừng phạt chỉ gây tác động tâm lý. Song, thiệt hại đối với những doanh nghiệp châu Âu làm ăn với Tehran có thể rất lớn, dù đã có cơ chế SPV bảo vệ. Hơn nữa, các công ty tư nhân sẽ chẳng được lợi gì nếu trở thành “kẻ thù” của Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, các biện pháp trừng phạt của cường quốc này đối với Iran từ năm 2010-2015 nhằm buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán để ngừng chương trình hạt nhân. Vì vậy, hầu hết các nước đứng về phía Mỹ. Còn giờ đây, với JCPOA được ký kết vào năm 2015, Iran được cho là có “thiện chí ngoại giao” và “hành xử có trách nhiệm”, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và trừng phạt Tehran không còn nhận được sự ủng hộ của chính các đồng minh.
Một kịch bản khác là nếu sản lượng xuất khẩu dầu của Iran giảm sút, nước này đương nhiên khó ở lại thỏa thuận. Nhà phân tích chính trị Mohammad Marandi ở Iran nói: “Nếu châu Âu nhượng bộ Mỹ và Iran có vấn đề nghiêm trọng trong việc xuất khẩu dầu, tôi nghĩ rằng Tehran sẽ hướng đến việc rút khỏi JCPOA”.
Ngày 4-11, hàng ngàn sinh viên tham gia cuộc tuần hành do chính phủ Iran tổ chức ở thủ đô Tehran nhân kỷ niệm ngày chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ trong Cách mạng Hồi giáo năm 1979, đồng thời phản đối việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.
Hãng Reuters cho biết, các sinh viên theo đường lối cứng rắn đã tấn công Đại sứ quán Mỹ vào ngày 4-11-1979, bắt giữ 56 nhà ngoại giao và công dân Mỹ làm con tin trong 444 ngày (từ ngày 4-11-1979 đến 20-1-1981). Từ đó, Mỹ và Iran đối đầu nhau.
|
VĨNH AN