Quốc tế
Saudi Arabia tìm sự ủng hộ giữa khủng hoảng
Chuyến công du của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đến một số nước Arab được cho là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực giữa làn sóng chỉ trích chung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Thái tử Saudi Arabia (trái) đến Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) ngày 22-11. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, Thái tử Mohammed bin Salman đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào ngày 22-11, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du một vài nước Arab. Đây cũng là lần công cán nước ngoài đầu tiên của Thái tử Mohammed kể từ khi cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi gây ra “cơn bão lớn” đối với Saudi Arabia. Những lùm xùm chung quanh cái chết của nhà báo người Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và làm việc cho tờ Washington Post, phủ bóng lên mối quan hệ giữa Riyadh và phương Tây, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh của Thái tử Mohammed bởi ông vốn được cho là một nhà lãnh đạo thế hệ mới, hiện đại.
Không có thông tin cụ thể về việc Thái tử Mohammed dừng chân ở những nước nào, chỉ biết rằng ngoài UAE, ông sẽ đến thăm Tunisia vào ngày 27-11. Đáng chú ý, cuối tháng này, ông sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thủ đô Buenos Aires (Argentina), sự kiện có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu.
Một ngày trước chuyến công cán của Thái tử Mohammed, Saudi Arabia đã bác bỏ những lời kêu gọi ông phải chịu trách nhiệm về vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán của Vương quốc Hồi giáo này ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định, Thái tử Mohammed vô can. Trước đó, sau khi nhà báo Khashoggi mất tích vào ngày 2-10, Saudi Arabia quanh co chối bỏ mọi liên quan. Đến ngày 20-10, Riyadh mới thừa nhận ông Khashoggi đã chết trong một cuộc ẩu đả tại lãnh sự quán ở Istanbul nhưng không cho biết thi thể nhà báo này hiện ở đâu.
Vụ việc nói trên cùng những lý giải quanh co của Riyadh khiến các đối tác phương Tây tức giận. Pháp tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm đi lại đối với 18 công dân Saudi Arabia. Không những thế, Pháp sẽ áp đặt thêm các trừng phạt khác nếu cần thiết sau khi có kết quả điều tra cuối cùng. Đan Mạch cũng đình chỉ phê chuẩn các hợp đồng xuất khẩu trang thiết bị quân sự và vũ khí sang Saudi Arabia. Hồi đầu tuần, Đức công bố lệnh cấm đi lại với 18 công dân Saudi Arabia và ngừng mọi hợp đồng bán vũ khí cho quốc gia này.
Về phía Mỹ, phản ứng mạnh mẽ nhất của Washington đến lúc này là trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia bị cho là liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi, mặc dù Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kết luận Thái tử Mohammed đứng sau vụ việc. Theo nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, CIA còn có bản ghi âm một cuộc điện thoại, trong đó Thái tử Mohammed đã ra lệnh “bịt miệng nhà báo Jamal Khashoggi sớm nhất có thể”. Song, chưa có thông tin xác nhận nội dung báo Hurriyet đăng tải.
Giữa “tâm bão” với những chỉ trích và hoài nghi bủa vây, Saudi Arabia có lẽ đang muốn vực dậy niềm tin từ các đồng minh trong khu vực. Nhiều câu hỏi được đặt ra về chiến lược của Saudi Arabia nhằm tháo gỡ khủng hoảng. Sau một thời gian lúng túng trong cách xử trí, có lẽ phản ứng phù hợp nhất của Vương quốc Hồi giáo lúc này là tranh thủ mọi sự ủng hộ có thể để vượt qua “cơn bão”.
Giới quan sát đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ. Ngày 23-11, trả lời đài CNN Turk, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “mắt nhắm mắt mở” khi khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. “Đây không phải là bước tiếp cận đúng đắn. Tiền không phải là tất cả”, ông Cavusoglu nói, hàm ý việc Tổng thống Trump ủng hộ Saudi Arabia chỉ vì những hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận định, người ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi là “cấp cao nhất” ở Saudi Arabia nhưng không phải là Vua Salman. Tuy nhiên, Ankara không loại bỏ khả năng một cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan và Thái tử Mohammed bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
PHÚC NGUYÊN