Quốc tế
Anh chuẩn bị khả năng "tay trắng" rời EU
Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không có thỏa thuận là kịch bản được đặt ra và nhiều khả năng thành hiện thực, mặc dù Thủ tướng Theresa May vẫn đang nỗ lực thuyết phục Quốc hội thông qua những nội dung đã đàm phán với khối này.
Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với sự chia rẽ trong Quốc hội chung quanh thỏa thuận Brexit. Ảnh: PA |
Ngày 18-12, nội các Anh nhóm họp nhằm chuẩn bị khả năng Vương quốc này rời EU mà không có thỏa thuận. Song, theo AP, chính phủ của Thủ tướng Theresa May bị chia rẽ giữa một bên là những người ủng hộ Brexit cho rằng, Brexit mà không có thỏa thuận có thể giảm những cú sốc cho nền kinh tế, còn một bên là những nghị sĩ thân EU muốn bằng mọi giá phải tránh kịch bản “tay trắng” rời khối gồm 28 thành viên.
Chỉ còn hơn 100 ngày nữa Anh sẽ rời EU nhưng chưa rõ có thỏa thuận cho việc “ly hôn” hay không, sự đảm bảo từ EU vẫn còn mơ hồ. Các doanh nghiệp Anh hiện lo ngại nguy cơ Brexit không thỏa thuận và gọi đây là “thảm họa” cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Một số nhà sản xuất bắt đầu dự trữ hàng hóa, đề phòng những sự cố sau Brexit. Song, nhiều doanh nghiệp, nhất là những công ty nhỏ, dường như có rất ít động thái trong việc giảm cú sốc kinh tế nếu Anh rời EU không có thỏa thuận. Phòng Thương mại Anh ngày 18-12 dự báo tăng trưởng kinh tế và đầu tư trong năm 2019 có thể thấp hơn dự đoán trước đó bởi sự không chắc chắn về mối quan hệ giữa Anh với EU trong tương lai.
Thỏa thuận “ly hôn” mà chính phủ Anh và EU ký hồi tháng trước vẫn gây nhiều tranh cãi. Tuần vừa qua, Thủ tướng May đã hoãn cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội đối với thỏa thuận này khi bà thấy rõ nguy cơ đa số nghị sĩ sẽ bỏ phiếu chống. Bà sẽ đưa thỏa thuận Brexit trở lại Quốc hội để bỏ phiếu vào giữa tháng 1-2019 với cam kết giành được những đảm bảo từ phía EU để phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Các nghị sĩ đối lập và cả nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng May vẫn phản đối thỏa thuận Brexit. Với một Nghị viện chia rẽ như thế, tiến trình Brexit đang rơi vào bế tắc. Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng; đồng thời cáo buộc bà cố tình gây lãng phí thời gian khi trì hoãn cuộc bỏ phiếu, buộc Quốc hội phải lựa chọn: hoặc là thỏa thuận do bà đưa ra, hoặc không có gì cả.
Tuy nhiên, theo AP, động thái của ông Corbyn cũng mang tính biểu tượng. Việc thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm như thế sẽ gây áp lực đến bà May nhưng không dẫn đến bầu cử sớm. Trong lúc đó, các đảng đối lập khác chỉ trích nhà lãnh đạo Công đảng đang có cách xử trí vô ích. Nghị sĩ Công đảng John Healey nói rằng, đảng này sẽ kêu gọi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầy đủ khi thấy rõ sự thất bại của chính phủ.
Thủ tướng May cho rằng, thỏa thuận “ly hôn” mà bà ký với EU không phải là thỏa thuận hoàn hảo cho mọi người, nhưng đó là sự thỏa hiệp cần thiết. “Chỉ có thể tránh được tình trạng không có thỏa thuận nếu chúng ta đạt được sự nhất trí hoặc nếu chúng ta từ bỏ hoàn toàn Brexit”, Thủ tướng Anh nói. Bà cùng các bộ trưởng cũng bác bỏ việc tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit bởi điều này sẽ gây thêm rạn nứt và đi ngược lại với nguyện vọng của cử tri - những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016 (52% số cử tri ủng hộ Brexit và 48% cho ý kiến ngược lại).
THIÊN BÌNH