CFO Huawei Mạnh Vãn Chu nói gì sau khi được bảo lãnh tại ngoại

.

Bà Mạnh Vãn Chu đã chia sẻ cảm xúc và nói lời cảm ơn những người đã quan tâm ngay sau khi được Tòa án tại Canada cho phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD.

Bà Mạnh Vãn Chu rời phiên tòa vào lúc 8h tối ngày 11/12 (giờ địa phương).
Bà Mạnh Vãn Chu rời phiên tòa vào lúc 8h tối ngày 11-12 (giờ địa phương).

“Tôi đang ở Vancouver và trở về với gia đình” - Giám đốc Tài chính (CFO) kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu viết trên mạng xã hội WeChat sau khi được tại ngoại - “Tôi tự hào về Huawei, tôi tự hào về đất nước tôi. Cảm ơn tất cả mọi người đã lo lắng cho tình hình của tôi”.

Trước đó, Tòa án Tối cao quận British Columbia ở Vancouver đã cho phép bà Mạnh tại ngoại sau hơn một tuần bị giam giữ với số tiền bảo lãnh 10 triệu đôla Canada (tương đương gần 7,5 triệu USD), bao gồm cả tài sản bảo đảm và tiền mặt. Bà Mạnh Vãn Chu chấp nhận giao nộp toàn bộ hộ chiếu và sống tại một trong những ngôi nhà của bà ở Vancouver. Bà cũng phải đeo một vòng định vị ở mắt cá chân và chi trả tiền giám sát an ninh 24/24 cho phía Canada.

Luật sư của bà Mạnh đã tranh cãi rằng thân chủ của ông cần được bảo lãnh tại ngoại trong khi chờ phán quyết về việc dẫn độ sang Mỹ vì các lý do sức khỏe. Bà Mạnh bị chứng huyết áp cao và đã phải nhập viện sau khi bị bắt giữ.

Nữ doanh nhân người Trung Quốc, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị phía Canada bắt giữ tại Vancouver hôm 1-12 với các cáo buộc lừa dối các tổ chức tài chính về mối quan hệ giữa Huawei và một công ty vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, qua đó giúp Huawei "lách" lệnh trừng phạt.

Theo các công tố viên Canada, bà Mạnh đối mặt nguy cơ có thể bị dẫn độ về Mỹ để xét xử và có thể chịu án 30 năm tù giam nếu bị kết tội.

Giám đốc Tài chính Huawei đã bác bỏ các cáo buộc, trong khi Bắc Kinh yêu cầu phía Canada thả tự do cho công dân Trung Quốc và gọi đây là một vụ “bắt cóc chính trị”.

Trong một tuyên bố, Công ty công nghệ viễn thông Huawei cho biết, công ty "tin tưởng rằng các hệ thống pháp lý Mỹ và Canada sẽ đi đến một kết luận công bằng" về vụ việc. Huawei tái khẳng định họ tuân thủ mọi luật pháp và quy định ở bất cứ nơi nào công ty hoạt động.

Quy trình chấp nhận hoặc từ chối dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu có thể sẽ kéo dài vài tháng. Phía Mỹ có 60 ngày kể từ khi bà Mạnh bị bắt giữ để cung cấp cho Canada yêu cầu dẫn độ chính thức cùng các tài liệu chứng minh cáo buộc. Bộ Tư pháp Canada sau đó có 30 ngày để xem xét đề nghị dẫn độ và bật đèn xanh cho một phiên điều trần tại tòa án, nơi một thẩm phán sẽ ra phán quyết có cho phép dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu hay không.

Dự kiến CFO của Huawei sẽ quay trở lại Tòa án vào ngày 6-2-2019.

Mặc dù cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều không liên hệ vụ việc với các cuộc đàm phán thương mại nhưng vụ bắt giữ một lãnh đạo công ty hàng đầu Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và đặt ra nguy cơ về một cuộc “chiến tranh lạnh công nghệ” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vụ việc xảy ra khi Mỹ - Trung chỉ vừa mới đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong thời gian 90 ngày.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-12 cho biết ông có thể can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ đối với bà Mạnh Vãn Chu nếu điều đó có lợi cho an ninh quốc gia hoặc để đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Theo Báo tin tức

;
;
.
.
.
.
.