Huawei và ZTE là nỗi lo của phương Tây

.

Căng thẳng leo thang chung quanh vụ Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu làm dấy lên nhiều quan ngại. Song, vụ việc này cho thấy Huawei (và cả tập đoàn công nghệ ZTE) là mối lo ngại với Mỹ cũng như phương Tây.

Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới.  Ảnh: Getty Images
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty Images

Trong chiến lược phát triển kinh tế mang tên “Made in China 2025”, Trung Quốc tập trung phát triển công nghệ toàn cầu với sản phẩm mạng không dây công nghệ. Dù lĩnh vực này của Trung Quốc đang phụ thuộc vào một số mặt hàng xuất khẩu Mỹ như bộ vi xử lý, nhưng Bắc Kinh muốn biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi đầu về công nghệ toàn cầu, với một sản phẩm mạng không dây công nghệ có thể cạnh tranh với Washington. 

Với mục tiêu đó, 2 tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei và ZTE trong những năm qua được đầu tư nguồn vốn khổng lồ, không ngừng phát triển và xâm nhập nhiều thị trường trên toàn cầu, nhất là các nước phương Tây. Đáng chú ý, Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Huawei được các nhà mạng trên toàn thế giới sử dụng, trong đó có châu Âu và châu Mỹ.

Tuy nhiên, một vấn đề vô cùng nghiêm trọng được đặt ra mà các nước phương Tây lo ngại là điện thoại di động, thiết bị mạng của Huawei và ZTE có thể tạo nền tảng cho hoạt động do thám của Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công khai tuyên bố tham vọng biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ.

Năm 2015, ông Tập cho thông qua một bộ luật buộc các công ty phải cộng tác với Nhà nước trong các vấn đề an ninh quốc gia. Theo luật này, dĩ nhiên Huawei và ZTE phải phục tùng yêu cầu của Bắc Kinh trên vấn đề an ninh. Như vậy, mối lo ngại của phương Tây không phải là không có cơ sở.

Các cơ quan tình báo, phản gián của Mỹ đã nhiều lần đưa ra các báo cáo về những hoạt động của Huawei và ZTE đang gây lo ngại cho sự an toàn của các cơ quan chính phủ. Thậm chí, Quốc hội và chính phủ, kể cả quân đội Mỹ, cấm sử dụng các thiết bị của Huawei và ZTE.

Tháng 8 vừa qua, Mỹ ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia, cấm chính phủ sử dụng các thiết bị và dịch vụ của Huawei cũng như ZTE do lo ngại 2 tập đoàn này có mối liên hệ với tình báo Trung Quốc. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Mỹ cũng đề nghị các nước đồng minh tránh sử dụng các sản phẩm của 2 tập đoàn trên vì “những sản phẩm này có thể chứa những loại virus thường được dùng để tấn công mạng”.

Năm 2017, ZTE suýt sụp đổ sau khi Washington cấm các công ty Mỹ bán phần mềm quan trọng hoặc các thiết bị phần mềm cho tập đoàn này trong 7 năm. Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được hủy bỏ sau khi ZTE chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD.

Mới đây, ngày 10-12, chính phủ Nhật Bản đưa Huawei và ZTE ra khỏi danh sách các nhà cung cấp khi mua sắm công. Các quan chức an ninh mạng của các bộ và cơ quan liên quan trong chính phủ Nhật Bản không nêu đích danh 2 tập đoàn Trung Quốc để tránh gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước vốn đang có những dấu hiệu cải thiện.

Song, ngay lập tức, 3 nhà mạng điện thoại di động chính của Nhật Bản là SoftBank Group, NTT Docomo và KDDI quyết định không sử dụng các thiết bị viễn thông Trung Quốc trong hệ thống mạng 5G. Trước đó, Úc, New Zealand và Anh cũng đã lần lượt từ chối một số dịch vụ của Huawei do lo ngại an ninh.

Đặc biệt, mới đây, việc Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị giới chức Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ, kèm theo một loạt quyết định hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE đến từ các đồng minh của Mỹ cho thấy, tham vọng thống trị công nghệ viễn thông của Trung Quốc đang bị đe dọa.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là một trong những đòn mạnh nhất của giới chức Mỹ đối với Huawei. Ông Paul Triolo, chuyên gia về công nghệ thuộc Văn phòng tham vấn Eurasia Group cho rằng, đe dọa đối với Huawei rất nghiêm trọng vì nếu mất đi quyền tiếp cận các thị trường béo bở ở phương Tây, Huawei có nguy cơ mất luôn khả năng tăng trưởng để có tiền chi trả cho công việc nghiên cứu và phát triển - điều rất cần thiết cho một tập đoàn công nghệ mũi nhọn.

Ngày 11-12, tòa án Canada nêu các điều kiện để Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại. Theo đó, bà phải nộp 10 triệu đô-la Canada (CAD) tiền bảo lãnh, bao gồm 7,5 triệu CAD tiền mặt.
 
Ngoài ra, bà Mạnh Vãn Chu phải tuân thủ các điều kiện: có 5 người bảo lãnh; giao nộp mọi hộ chiếu cùng giấy tờ đi lại và không được nộp đơn xin giấy tờ mới; có nhân viên an ninh hộ tống mỗi khi rời khỏi nhà; phải đeo thiết bị giám sát điện tử; không được rời khỏi nơi ở từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.