Quốc tế

Ông Mattis rời Lầu Năm Góc

08:38, 25/12/2018 (GMT+7)

Không chờ đến cuối tháng 2-2019, thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm ngay Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan thay thế vị trí này. 

Trong những tháng gần đây, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông James Mattis (phải) xảy ra những bất đồng. 	Ảnh: Getty Images
Trong những tháng gần đây, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông James Mattis (phải) xảy ra những bất đồng. Ảnh: Getty Images

Lầu Năm Góc hiếm khi có vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng, thông thường dù bộ trưởng từ chức nhưng vẫn giữ cương vị đến khi có người kế nhiệm được phê chuẩn. Song, vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng sẽ do ông Patrick Shanahan đảm nhiệm kể từ ngày 1-1-2019, nghĩa là ông James Mattis phải rời Lầu Năm Góc sớm 2 tháng so với kế hoạch; còn ông Shanahan làm quyền Bộ trưởng cho đến khi Tổng thống đề cử người thay thế và được Thượng viện chấp thuận.

Theo hãng tin AP, việc thay đổi nhân sự đột ngột cho thấy sự không hài lòng của Nhà Trắng đối với người từng được xem là có quyền lực ổn định trong nội các của Tổng thống Trump. Ông Mattis đệ đơn từ chức hôm 20-12 với lý do: để Tổng thống chọn người đứng đầu Lầu Năm Góc có quan điểm đồng điệu hơn với các chính sách của mình. Trong thư gửi Tổng thống, ông Mattis nêu rõ sẽ ở lại đến ngày 28-2-2019 để “giúp xây dựng cầu nối với Bộ trưởng Quốc phòng mới”. Tuy nhiên, với quyết định nói trên của ông chủ Nhà Trắng, “kỷ nguyên” Mattis xem như kết thúc và cũng chấm dứt mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Trump với tướng thủy quân lục chiến này.

Quyết định từ chức của ông Mattis tuy không bất ngờ nhưng dường như làm người đứng đầu Nhà Trắng giận dữ, nhất là sau khi ông Trump đưa ra 2 tuyên bố gây nhiều tranh cãi: sớm rút khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria và rút ½ số binh sĩ đang đồn trú ở Afghanistan về nước.

Báo The Telegraph cho hay, mối quan hệ giữa ông Mattis và Tổng thống Trump vốn rạn nứt chung quanh nhiều vấn đề, trong đó có tương lai của Afghanistan. Những người bạn của ông Mattis nói rằng, vị tướng 4 sao này sẽ chỉ rời nhiệm sở nếu bị sa thải hoặc qua đời. Tuy nhiên, việc rút quân Mỹ khỏi Syria như giọt nước tràn ly. Sau khi Tổng thống Trump thông báo tin này trên Twitter, ông Mattis đến Nhà Trắng, nói chuyện với “sếp” của mình 45 phút tại Phòng Bầu dục nhưng không thay đổi được quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ. Sau đó, ông Mattis tuyên bố từ chức. Trao đổi với hãng ABC, ông Mick Mulvaney, người sẽ từ chức Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng cho rằng, Tổng thống Trump sẽ không thay đổi quyết định rút quân, dù các quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ đệ đơn ra đi.

Đối với ông Patrick Shanahan, không giống người tiền nhiệm Mattis, quyền Bộ trưởng Quốc phòng này chưa bao giờ làm việc trong quân đội. Ông Shanahan làm việc ở Boeing, nhà thầu quốc phòng lớn thứ hai của Mỹ, suốt 30 năm và từng là Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hệ thống phòng vệ tên lửa Boeing. Ông Shanahan có 2 bằng của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), gồm bằng thạc sĩ cơ khí và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Trường Quản lý Sloan thuộc MIT, được đề cử làm Thứ trưởng Quốc phòng từ đầu năm 2017.

Trước đó, cũng có nhiều Bộ trưởng Quốc phòng không có kinh nghiệm quân đội, chẳng hạn như ông Ashton Carter lãnh đạo Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Barack Obama. Giờ đây, với cương vị mới, ông Shanahan sẽ lãnh đạo các kế hoạch rút quân ở Syria và Afghanistan.
Một vấn đề đang được đặt ra: các nghị sĩ Mỹ, trong đó có cả các nghị sĩ Cộng hòa, bày tỏ quan ngại việc Washington rút quân khỏi Syria và Afghanistan có thể dẫn đến các nhóm khủng bố hoạt động trở lại.

PHÚC NGUYÊN

.