QUAN SÁT & BÌNH LUẬN

Đổi thay sau 40 năm cải cách

Cách đây 40 năm, ngày 18-12-1978, Trung Quốc chính thức thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, tạo ra một giai đoạn phát triển rực rỡ và đặt nền móng để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc cải cách và mở cửa nền kinh tế, có lẽ ít ai có thể hình dung được câu chuyện tiến triển nhanh đến vậy. GDP của Trung Quốc trước cải cách và mở cửa chỉ dưới 150 tỷ USD. Nhưng 40 năm sau, con số này tăng lên 12.000 tỷ USD (theo thống kê năm 2017), đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nước có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới.

Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 11-2001, mở ra cho quốc gia đông dân nhất hành tinh những cơ hội lớn về tăng trưởng, xuất khẩu… Từ đó, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trung bình 29%/năm, chiếm 14,6% thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới. Giá trị giao dịch hàng hóa Trung Quốc tăng từ 20,6 tỷ USD lên hơn 4.000 tỷ USD. Trung Quốc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá hơn 2.000 tỷ USD và đầu tư 1.900 tỷ USD ra nước ngoài.

Từ khi thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu tăng từ 1,8% lên 15,2%. Trung Quốc tiến xa trong phát triển cơ sở hạ tầng chưa từng có với đường sắt cao tốc, tàu biển, máy bay kết nối các vùng, miền khác nhau trong cả nước.

Mặt khác, cải cách và mở cửa đã giúp 740 triệu người dân Trung Quốc thoát đói nghèo, giảm tỷ lệ nghèo trong dân số tới 94,4%. Trung Quốc đã xây dựng hệ thống an sinh xã hội lớn nhất thế giới, với khoảng 900 triệu dân được hưởng lương hưu cơ bản và 1,3 tỷ dân có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân sống ở khu vực thành thị tăng 40,6%, lên mức 58,52%. Chỉ trong 20 năm qua, sự giàu có của người dân tăng gấp 4 lần. Trung Quốc hiện có 600 tỷ phú, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Đáng chú ý, đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc công bố hàng loạt biện pháp mở cửa mới, trong đó có việc giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với 1.449 mặt hàng tiêu dùng và 1.585 sản phẩm công nghiệp, giảm bớt các hạn chế mang tính tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc còn cam kết mở cửa hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính, ô-tô, máy bay và tàu thuyền...

Theo một báo cáo của WB, xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc tăng hơn 30 bậc kể từ năm 2017. Doanh thu từ Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) đầu tiên đã đạt 57,8 tỷ USD, qua đó phản ánh tiềm năng đối với thị trường rộng lớn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên con đường cải cách và mở cửa, Trung Quốc cũng đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng về môi trường, xung đột trong xã hội, nạn tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo, việc làm…

Đặc biệt, ngày 28-3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công bố áp thuế nhập khẩu lên trên 1.300 chủng loại hàng hóa Trung Quốc, chính thức châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước, với những đòn trả đũa qua lại lên hàng hóa nhập khẩu của nhau. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và cướp việc làm của người Mỹ. Đòn trả đũa của Bắc Kinh khiến Mỹ mở đợt tấn công thứ hai, áp đặt thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Đây là thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc đối mặt và đang tìm mọi biện pháp để hóa giải nhằm tiếp tục con đường cải cách và mở cửa phát triển kinh tế.

Giờ đây, bình ổn kinh tế trong nước là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của nước này.

Năm 2019, Trung Quốc sẽ chú trọng sự phát triển chất lượng cao cũng như việc cải thiện an ninh và sự hài lòng của người dân. Cường quốc châu Á sẽ thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, mở cửa hơn nữa và đẩy nhanh hiện đại hóa nền kinh tế.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tìm kiếm các bước đột phá trong việc ngăn ngừa những nguy cơ lớn, giảm nghèo theo mục tiêu đề ra, kiểm soát ô nhiễm, phát triển khu vực sản xuất, mở rộng thị trường trong nước, phát triển nông thôn và điều phối khu vực…

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.